Môn thể thao cơ bản nhất, hấp dẫn nhất, được quan tâm nhiều nhất của các kỳ Olympic là điền kinh đã chính thức khởi tranh tại Olympic Paris 2024.
Có lẽ háo hức nhất trong việc chờ ngày điền kinh khai cuộc là người Mỹ.
Đoàn Mỹ khởi đầu chậm chạp
Cụ thể, tính đến sáng 1-8, tức sau 5 ngày thi đấu chính thức đầu tiên, Mỹ – nền thể thao số 1 thế giới – chỉ mới có 5 HCV tại Paris 2024. Mỹ xếp sau cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trên bảng tổng sắp huy chương.
Thành tích bết bát đó một phần đến từ bơi lội – môn thể thao đang bị Úc vượt mặt. Đội bơi Mỹ liên tiếp nhận những thất bại choáng váng ở các nội dung sở trường, như ở các nội dung bơi tự do của nam và nữ, cùng nhiều nội dung bơi tiếp sức khác.
Đường đua xanh ở Paris 2024 hấp dẫn một cách lạ kỳ khi “trăm hoa đua nở”, và hầu như không có một quốc gia nào thống trị rõ rệt. Đội bơi nữ của Úc dù rất mạnh nhưng hầu hết chỉ tập trung ở các cự ly bơi tự do.
Và nhìn chung, hàng loạt VĐV đoạt HCV trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ. Đó là Sarah Sjostrom – người bất ngờ đoạt HCV 100m tự do nữ ở tuổi 30. Là Leon Marchand – chàng trai người Pháp làm dậy sóng Olympic với 3 HCV cá nhân (tính đến ngày 1-8). Là những kình ngư Ý như Thomas Ceccon, Nicolo Martinenghi…
Pan Zhanle, kình ngư 19 tuổi người Trung Quốc, tạo nên bất ngờ lớn nhất ở đường đua xanh tính đến thời điểm này, khi đoạt HCV nội dung 100m tự do nam đầy hấp dẫn.
Hồi đầu năm, Pan đã vô địch nội dung này ở Giải vô địch thế giới tại Doha. Nhưng đó lại là giải đấu mà các nền thể thao mạnh “tẩy chay” vì diễn ra một cách bất thường.
Trong quá khứ, giải vô địch thế giới của môn bơi lội luôn diễn ra vào các năm lẻ để tránh Olympic. Nhưng vì một loạt thay đổi do đại dịch, FINA (Liên đoàn Thể thao dưới nước thế giới) dời giải sang năm 2024.
Lịch thi đấu bất đắc dĩ này bị các nền thể thao lớn phản đối. Và họ hầu như chỉ cử sang đội hình không có ngôi sao. Khi Pan Zhanle đoạt HCV, chẳng mấy ai đánh giá cao thành tích đó với suy nghĩ rằng Doha 2024 chỉ là một giải đấu “hạng 2”.
Sẽ bứt tốc ở điền kinh?
Bơi lội đã chứng kiến hàng loạt bất ngờ, liệu điền kinh có tương tự?
Cũng như bơi lội, điền kinh nhiều năm qua luôn nằm trong tầm kiểm soát của người Mỹ. Họ đã dẫn đầu về số HCV điền kinh trong 10 kỳ Olympic liên tiếp (từ 1984 cho đến nay). Nếu tính xuyên suốt lịch sử, chỉ có 3 kỳ Olympic là người Mỹ không thể thống trị môn điền kinh.
Nhưng tương tự bơi lội, sức mạnh của người Mỹ ở môn điền kinh cũng đang ngày càng sụt giảm. Tại Olympic 2016, họ giành đến 13 HCV và thắng 3/4 cuộc đua tiếp sức.
Nhưng đến Tokyo 2020, Mỹ chỉ giành được 7 HCV. Trong đó có hai thất bại đau đớn ở nội dung 100m nam và tiếp sức 4x100m nam – những cuộc đấu hấp dẫn nhất.
Niềm tin cho điền kinh Mỹ dần trở lại vào Giải vô địch thế giới năm 2023, khi họ đoạt 12 HCV và lấy lại sức mạnh ở các cự ly tốc độ.
Noah Lyles, ngôi sao nước rút của Mỹ, đoạt cú “hattrick vàng” khi chiến thắng 3 nội dung 100m nam, 200m nam và tiếp sức 4x100m nam. Trên đường đua nữ, Sha’Carri Richardson giành cú đúp HCV 100m và tiếp sức 4x100m.
Kể từ khi Usain Bolt giải nghệ, hầu như vẫn chưa có chân chạy nào xứng đáng kế thừa danh hiệu “người chạy nhanh nhất hành tinh” của anh. Và Noah Lyles ở tuổi 27 hứa hẹn sẽ làm được điều đó nếu duy trì phong độ từ giải thế giới sang Olympic.
Điền kinh, ông vua của Olympic, đã chính thức khai cuộc vào ngày 1-8 (chỉ với 2 nội dung đi bộ) và sẽ nóng dần từ ngày hôm nay. Và ông vua của làng thể thao thế giới hứa hẹn cũng sẽ thức tỉnh.
Giá vé xem điền kinh gây choáng
Không tính các buổi lễ khai mạc và bế mạc, điền kinh trở thành môn đấu có giá vé cao nhất Olympic 2024. Cụ thể, giá vé xem điền kinh thấp nhất là 85 euro (2,3 triệu đồng) và cao nhất là 980 euro (26,7 triệu đồng) vào ngày có nội dung 100m nam. Bơi lội cũng có mức giá tương tự.
Trong khi đó, các trận đấu bóng đá chỉ có giá vé dao động từ 24 đến 300 euro (trận chung kết bóng đá nam).
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/nguoi-my-cho-cu-nguoc-dong-cua-dien-kinh-o-olympic-2024-20240802094419834.htm