Phát huy giá trị bản sắc văn hóa ông cha truyền lại
Theo đó, người Mường ở huyện Ngọc Hồi di cư từ tỉnh Hòa Bình vào lập nghiệp tại huyện Ngọc Hồi từ năm 1990. Trải qua hơn 30 năm sinh sống ở vùng biên giới Kon Tum, cho đến hiện tại họ vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, truyền thống của quê hương như: Văn hóa cồng chiêng, hát ru, hát đối, hát pọ mạng… góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc vùng Tây Nguyên.
Nhiều năm sống xa quê hương bản quán, nhưng cộng đồng bà con người Mường ở huyện Ngọc Hồi vẫn bảo tồn, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như: Cúng lúa mới, mừng cơm mới …và đặc biệt là Tết Độc lập.
Nhận thấy được những nét đẹp văn hoá độc đáo, đa sắc màu, nhiều năm qua, UBND huyện Ngọc Hồi đã xây dựng nhiều đề án nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Chia sẻ với PV, nghệ nhân Đinh Văn Thiệu (thôn Hào Phú, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) cho biết: “Tôi đã cùng bà con từ Hoà Bình vào mảnh đất Kon Tum lập nghiệp được hàng chục năm nay. Từ xa xưa người Mường đã sở hữu một kho tàng dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được lồng ghép vào các nghi lễ, lễ hội…
Theo thời gian, bà con người Mường ở Hòa Bình đã chọn vùng đất mới, thổ nhưỡng dồi dào, phong phú hơn để an cư, lạc nghiệp. Tuy rời xa quê nhưng bà con luôn gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc trên mảnh đất Cao nguyên Kon Tum. Điển hình là lễ mừng cơm mới, nghi lễ này thường được tổ chức khi vừa kết thúc vụ mùa”.
Theo ông Thiệu, lễ mừng cơm mới của người Mường tổ chức hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho nhân dân có mùa màng tươi tốt và cầu mong cho mùa vụ mới được bội thu. Nhân dịp này, bà con cùng quây quần bên mâm cỗ để nhắc lại câu chuyện quê hương và khó khăn thủa đầu lập nghiệp trên vùng đất mới.
Theo quan niệm của người Mường xưa, sau khi lúa được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới được ăn. Mỗi hộ gia đình tới ruộng nhà mình cắt và tết các ngọn lúa lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột trong nhà, nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau phần này, mọi người trong nhà mới được ra đồng gặt lúa.
Ngoài lễ mừng cơm mới, người Mường ở Kon Tum có nhiều lễ hội mang nét đặc trưng riêng như: Hát đúm (hát giao duyên) giữa trai và gái, hát giao tiếp mời chào (thường-rang, bọ-mẹng), lễ hội hát cúng thần linh và tục mo Mường độc đáo…
Nhờ việc gìn giữ các giá trị văn hóa, lễ hội, bà con người Mường đã quảng bá, lan toả những giá trị tốt đẹp, đa sắc màu trong đời sống. Nhờ vậy, khách du dịch, người dân khắp mọi nơi thường nhớ ngày tổ chức các lễ hội để về hòa chung niềm vui, trải nghiệm nét đẹp văn hoá người Mường, “Văn hoá Hoà Bình” trên mảnh đất Cao Nguyên.
Tết độc lập của người Mường nơi ngã ba Đông Dương
Về với xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi những ngày này khắp đường làng, ngõ xóm đều rực rỡ cờ đỏ sao vàng hân hoan đón khách đến vui Tết Độc lập.
Đối với cộng đồng người Mường ở Ngọc Hồi, Tết Độc lập là ngày lễ lớn thứ 2 chỉ sau Tết Nguyên đán cổ truyền. Người Mường ở Ngọc Hồi lấy ngày 2/9 hằng năm làm ngày Tết Độc lập để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Qua đó tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, trong đó có dân tộc Mường.
Bà Đinh Thị Hồng (59 tuổi, trú tại xã Sa Loong) cùng gia đình vào mảnh đất Kon Tum sinh sống từ năm 1990. Kể từ đó đến nay, năm nào gia đình bà cũng quây quần với dân làng vui ngày hội văn hóa Mường và đón Tết Độc lập.
Vốn dĩ sống trong gia đình có truyền thống cách mạng nên bà Hồng càng hiểu rõ những khó khăn, khổ cực của những ngày kháng chiến. Ngày nay, khi được sống trong thời bình bà Hồng và gia đình càng trân quý giá trị của độc lập. Mỗi năm cứ đến Tết Độc lập, trong bữa cơm sum họp, những người già trong gia đình kể cho con cháu nghe về những ngày chiến đấu gian khổ và ý chí kiên cường, bất khuất của anh hùng dân tộc.
“Cũng từ những hy sinh ấy, tôi luôn căn dặn con cháu phải sống đúng và cố gắng, nỗ lực hơn nữa để phát triển quê hương đất nước. Từ đó mới không phụ lòng những anh hùng đã hy sinh để thế hệ sau này được sống trong hòa bình, ấm no.
Quốc khánh 2/9, không chỉ là ngày hội mà đây còn là dịp để dân làng chúng tôi tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do cho cả dân tộc. Giờ đây, với sự quan tâm và những chính sách hỗ trợ đời sống của bà con, đặc biệt là người Mường bước sang một trang mới, tươi đẹp hơn”, bà Hồng phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Chí Tường – Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, UBND huyện Ngọc Hồi đều hỗ trợ kinh phí cho cộng đồng người Mường và tạo điều kiện cho bà con tổ chức “Ngày hội làng Mường”. Ngày hội đã trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để người Mường và các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-muong-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-tren-bien-gioi-kon-tum-post310297.html