Mua ở “đỉnh”, nhà đầu tư lỗ 1,6 triệu đồng/lượng
Tuần này, thị trường vàng trong nước chứng kiến giá vàng tăng nóng, đạt mức cao kỷ lục. Giá bán ra vàng SJC lên tới 74,60 triệu đồng/lượng. Sau đó, kim loại quý nhanh chóng hạ nhiệt. Tới phiên cuối tuần, dù giá vàng thế giới giảm sốc, giá vàng SJC vẫn đi ngang và duy trì mốc 74 triệu đồng/lượng nhưng người mua vào vàng ở “đỉnh” đã lỗ 1,6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, trong ngày 4/12, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá bán ra vàng SJC đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 74,60 triệu đồng/lượng. Và trong sáng nay, biểu niêm yết được điều chỉnh ở mức: 73 triệu đồng/lượng – 74,10 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu mua từ “đỉnh”, nhà đầu tư đã lỗ 1,6 triệu đồng/lượng. Tại các cửa hàng kim hoàn khác, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Trong phiên cuối tuần, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji giao dịch ở mức: 73,10 triệu đồng/lượng – 74,10 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối ngày hôm qua nhưng giảm sâu so với mức 74,50 triệu đồng/lượng được thiết lập trong ngày 4/12. Còn so với cuối tuần trước, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC và Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức: 72,90 triệu đồng/lượng – 74,10 triệu đồng/lượng và 72,92 triệu đồng/lượng – 74,05 triệu đồng/lượng.
Sau 1 tuần, giá vàng SJC tại các công ty khác nhau đồng loạt tăng khoảng 100.000 đồng/lượng nhưng giá vàng phi SJC lại giảm khá sâu.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long được trao đổi ở mức: 61,28 triệu đồng/lượng – 62,38 triệu đồng/lượng, giảm 750.000 đồng/lượng, tương đương 1,2%. Tại Công ty PNJ, giá vàng PNJ giảm 1 triệu đồng/lượng, tương đương 1,6% so với cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới có tuần tồi tệ nhất 10 năm
Thị trường vàng trong nước vẫn đang lạc quan hơn so với thị trường thế giới. Sau khi đạt đỉnh đầu tuần, tới cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 2.002,80 USD/ounce sau khi chạm mức thấp nhất trong phiên là 1.994,49 USD trước đó. Giá đã giảm 3,4% cho đến nay trong tuần tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Hợp đồng tương lai vàng của Mỹ giảm 1,3% ở mức 2.019,1 USD.
Vàng đã giảm trở lại dưới 2.000 USD/ounce vào thứ Sáu khi đồng đô la và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh sau khi các nhà giao dịch giảm đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ thành hiện thực vào tháng 3 sau dữ liệu việc làm mạnh hơn dự kiến.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng nhanh trong tháng 11 trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, báo hiệu sức mạnh tiềm ẩn của thị trường lao động khiến các nhà giao dịch đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải đến tháng 5 mới đưa ra đợt giảm lãi suất đầu tiên trong một loạt đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Vàng đã sụt giảm khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy sức mạnh toàn diện của nền kinh tế”.
“Việc đóng cửa ở mức thấp, thấp hơn 150 USD so với mức cao nhất mọi thời đại của Chủ Nhật, đã làm thay đổi câu chuyện về cuộc họp của Fed. Bây giờ, những nhà đầu tư vàng đang hy vọng vào một kết quả thân thiện của Fed sẽ ngăn chặn sự điều chỉnh sâu hơn, nếu không muốn nói là một sự thoái lui”, Tai Wong bình luận.
Chỉ số đô la tăng 0,7% trong tuần, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với người mua nước ngoài, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm phục hồi từ mức thấp nhất trong ba tháng.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi dự báo lãi suất cập nhật cho năm tới từ cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 12-13/12.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, cho biết trong một báo cáo hàng tuần: “Với rất nhiều biện pháp nới lỏng đã được định giá trên thị trường, cả bạc và vàng sẽ tiếp tục chứng kiến những giai đoạn mà niềm tin có thể bị thách thức”.
Các đại lý vàng vật chất ở Ấn Độ đã tăng chiết khấu lên mức cao nhất trong 7 tháng trong tuần này để thu hút khách hàng do giá nội địa kỷ lục làm giảm nhu cầu. Theo một số nhà phân tích, tuần tới sẽ là một thử nghiệm quan trọng đối với thị trường vàng vì Fed có quan điểm diều hâu có thể gây áp lực giảm giá lên một thị trường vốn đã nhạy cảm sau đợt giảm giá hôm thứ Hai.