Giá vàng tăng sốc, tìm lại mốc 80 triệu đồng/lượng
Ngày 26/12 là phiên giao dịch lịch sử của thị trường vàng trong nước. Đầu phiên, giá vàng SJC tăng điên cuồng, tăng gần 2 triệu đồng/lượng và lập đỉnh cao mọi thời đại mới 80,30 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tới chiều, kim loại quý này “rơi tự do” xuống sát mốc 79 triệu đồng/lượng.
Tới phiên giao dịch sáng nay, ở giờ mở cửa, thị trường khá yên lặng với đà tăng 200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, từ hơn 9h, giá vàng SJC liên tục “nhảy” trên bảng giao dịch điện tử. Và tới 9h40, giá vàng SJC chính thức tìm lại mốc 80 triệu đồng/lượng, chỉ cách mức cao nhất mọi thời đại 300.000 đồng/lượng.
Tập đoàn Doji là “nhà vàng” đầu tiên đưa giá bán ra lên 80 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào là 78,50 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng, tương đương 1,3%. Với việc giá mua vào tăng vượt trội so với giá bán ra, khoảng cách giữa hai mức giá giảm xuống 1,5 triệu đồng/lượng so với con số 2 triệu đồng chiều qua.
Sau đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC cũng điều chỉnh giá bán ra tăng 800.000 đồng/lượng lên 80 triệu đồng/lượng. Giá mua vào vàng SJC tại Công ty SJC là 78,30 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức chênh giữa giá bán ra và mua vào tại SJC lên tới 1,7 triệu đồng/lượng.
Sau Tập đoàn Doji và Công ty SJC, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng tìm lại mốc 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu đang được niêm yết ở mức: 78,35 triệu đồng/lượng – 80 triệu đồng/lượng.
Điều chỉnh sau cùng nhưng Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ lại đang có giá bán ra vàng SJC cao nhất, lên tới 80,10 triệu đồng/lượng. Giá mua vào là 78,30 triệu đồng/lượng. Tại PNJ, chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào đang cao nhất thị trường, lên đến 1,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phi SJC cũng đạt được các kỷ lục mới. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long trao đổi ở mức: 63,33 triệu đồng/lượng – 64,38 triệu đồng/lượng. Giá vàng PNJ tại Công ty PNJ được giao dịch ở mức: 62,75 triệu đồng/lượng – 63,85 triệu đồng/lượng.
Người mua vẫn lỗ 1,6 triệu đồng/lượng
Bên cạnh việc giá vàng SJC tăng quá mạnh hoặc giảm quá sâu, thời điểm này, một trong những yếu tố có thể gây ra rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư mà nhiều chuyên gia nhấn mạnh đó chính là chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng trong nước quá lớn.
Cụ thể, chiều qua, một trong những điểm đáng chú ý nhất chính là việc các “nhà vàng” nới rộng khoảng cách giữa giá bán ra và mua vào. Nếu đầu giờ sáng 26/12, chênh lệch là 1 triệu đồng/lượng thì tới cuối ngày, con số này vọt lên 2 triệu đồng/lượng. Vì vậy, dù giá vàng “chỉ” giảm 1 triệu đồng/lượng thì người mua đã lỗ 3 triệu đồng/lượng.
Tới sáng 27/12, dù khoảng cách này không được duy trì ở mức cao kỷ lục 2 triệu đồng/lượng nhưng vẫn rất lớn, từ 1,45 triệu đồng/lượng tới 1,8 triệu đồng/lượng. Vì vậy, mặc dù giá vàng SJC đang tăng từ 800.000 đồng/lượng tới 1,3 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư vẫn lỗ khoảng 1,6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, như đã nêu trên, giá vàng SJC tăng 1,3% nhưng giá vàng thế giới chỉ nhích rất nhẹ.
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng biến động chậm, được hỗ trợ bởi đồng đô la Mỹ yếu hơn và lãi suất trái phiếu kho bạc thấp hơn do kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) sẽ giảm lãi suất vào năm tới.
Giá vàng giao ngay tăng 0,3% ở mức 2.058,17 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất trong hơn hai tuần là 2.070,39 USD trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ít thay đổi ở mức 2.069,4 USD.
Ở mức 2.058,17 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 61,53 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đang đắt hơn giá vàng thế giới 18,57 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh cao kỷ lục trong năm 2023. Còn giá vàng phi SJC đắt hơn giá vàng thế giới 2,85 triệu đồng/lượng.
Với việc chênh lệch giữa giá bán ra – mua vào vàng SJC và giá vàng trong nước – giá vàng thế giới đang ở mức cao kỷ lục, chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên mua vào vàng lúc này vì phải đối diện nhiều rủi ro.