20:44, 09/05/2023
BHG – Xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê với 95% là dân tộc Mông, là một xã xa và khó khăn của huyện, nhưng với quyết tâm xây dựng cuộc sống mới và thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc Hà Giang, người dân nơi đây khẳng định đã “Xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu”. Theo đó, trong không gian sinh sống của người Mông nay đã có nhiều đổi mới, với những nhà có người già các hộ đều chuẩn bị sẵn áo quan; đám ma không tổ chức quá 48 tiếng; chuồng trại, gia súc được đưa ra xa nhà; nhà cửa được bài trí với không gian sạch sẽ, thoáng mát…
Cán bộ xã Phiêng Luông luôn xuống cơ sở chia sẻ, nắm thông tin, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh. |
Để nâng cao nhận thức của người Mông trong việc thực hiện nếp sống mới là điều không hề dễ nếu như không có những người “tiên phong”. Bởi, với quan niệm “phép vua thua lệ làng” những hủ tục đó đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ, thói quen của người Mông, làm cho đời sống của nhiều hộ gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Là người con sinh ra ở thôn Phiêng Đáy, bác Vàng Sính Dình, Trưởng họ Vàng chia sẻ: 2 năm trước thôn còn tồn tại những quan niệm, như: Để người chết lâu ngày mong muốn con, cháu được trọn nghĩa báo hiếu với người chết; chưa đưa thi hài người chết vào áo quan ngay sau khi mất; giết mổ nhiều gia súc… Từ việc được tập huấn về Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh và tiếp xúc Đề án 02 của huyện về cải tiến đám tang các dân tộc huyện Bắc Mê giai đoạn 2022 – 2024, người dân đã nhận thức được đó là những hủ tục, qua đó tháng 11.2022 khi dòng họ Thào có người mất, tôi với trách nhiệm là Trưởng họ đã tiến hành họp và quyết định thực hiện theo nghi thức mới, đó là: Đám ma được tiến hành không quá 48 tiếng; người mất được đưa vào áo quan; tổ chức đám với việc tiết kiệm, hạn chế giết mổ gia súc… Ngay khi đám ma được tổ chức xong, người dân nhận thấy việc tổ chức theo hình thức mới vừa đảm bảo được sự tôn nghiêm với người mất, lưu giữ được bản sắc dân tộc, đồng thời giúp người dân không còn cảnh phải trả nợ sau khi tổ chức đám.
Anh Thào Mí Vàng, thôn Phiêng Đáy, xã Phiêng Luông chia sẻ: Gia đình vừa mới tổ chức đám tang cho bố vào tháng 1.2023. Khi bố vừa mất gia đình xác định sẽ tổ chức theo nếp cũ, nhưng dưới sự vận động của chính quyền địa phương chúng tôi đã tiến hành tổ chức đám ma theo hướng dẫn, cụ thể: Đám tang được tổ chức gọn nhẹ, với đầy đủ các nghi thức truyền thống, dưới sự chứng kiến của người dân trong bản; được diễn ra trong 1,5 ngày, tiến hành đưa thi hài người chết vào áo quan; hạn chế trong việc tổ chức ăn uống… Qua đó, kinh phí tổ chức đám ma được thu hẹp, con cái không phải vất vả tổ chức và nhất là không phải vay mượn tiền để phục vụ, mua sắm trong những ngày diễn ra đám. Đặc biệt, việc tổ chức đám ma theo hình thức mới không gây ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của chúng tôi, không như nỗi lo của nhiều người là sẽ ảnh hưởng tới dòng họ, con cháu…
Không chỉ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Xã Phiêng Luông cũng đặc biệt quan tâm và quyết tâm xóa bỏ tục tảo hôn. Theo đó trong quý I.2023 xã đã tiến hành can thiệp và vận động thành công em Giàng Thị Mỷ, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Phiêng Luông không kết hôn và tiếp tục quay trở lại học tập.
Để có được thành công bước đầu đó, xã Phiêng Luông đã triển khai nhiều giải pháp, cụ thể: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã và các chi bộ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, các thầy cúng, thày khèn, đội ngũ nghệ nhân dân gian. Bên cạnh đó, tập trung bám nắm cơ sở với việc khi có đám cưới, đám tang thì BTV Đảng ủy phân công cụ thể 1 đồng chí Thường trực, phối hợp với các đoàn thể nhanh chóng có mặt để thăm hỏi gia đình, động viên bàn và thống nhất với gia đình về các nội dung cụ thể để thực hiện…
Tuy nhiên, dù đã có người Mông nhận thức được rằng, hủ tục trong những phong tục của dân tộc mình cần sớm được loại bỏ; song, để xóa bỏ hoàn toàn tập tục lạc hậu, không phải việc một sớm một chiều. Đồng chí Đoàn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Luông cho biết: Tuy đã đạt được những thắng lợi không nhỏ trong “cuộc chiến” chống hủ tục, nhưng để loại bỏ hoàn toàn những tập tục đó ra khỏi đời sống người dân, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Mông cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Trong đó, vấn đề căn bản nhất là cần có sự chung sức, quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, đoàn thể, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị… Qua đó, sẽ góp phần xây dựng cuộc sống văn minh trong đồng bào dân tộc và là nền tảng để người dân thay đổi tư duy, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN