Cơm chuối, dưa hấu, xoài, mận… nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng về miền Tây lại là ‘món quốc dân’, thiếu chịu không nổi, nuốt không trôi.
Không ít người tỏ ra khó hiểu khi nghe món cơm trộn trái cây. Nhưng với dân miền Tây, cứ hễ nghe đến cơm trộn chuối, dưa hấu, xoài… là tuổi thơ ùa về.
Cách kết hợp đa dạng, độc lạ xứ miệt vườn như thế tạo ra bức tranh màu sắc bắt mắt nhưng không kém phần “hao cơm”.
Cơm chuối, dưa hấu, xoài nghe “ngon nhức nách”
Những loại trái cây “hao cơm” ở miền Tây nhiều vô kể, đặc biệt là ba món gần như nhà nhà đều có là dưa hấu, chuối, xoài.
Cơm trộn dưa hấu dễ bắt gặp trong bữa ăn thường ngày ở vùng sông nước Tây Nam Bộ.
Dưa hấu được ưa chuộng vì dễ mua ở các khu chợ, giá rẻ. Những trái dưa mọng nước, ngọt thanh nên ăn cùng cơm sẽ tạo cảm giác thanh mát, “nuốt trôi” hơn.
Khi đi mua, các bà, các mẹ thường lựa những quả vỏ láng bóng, căng tròn và sọc đậm, đặc biệt cuống dưa xoăn, héo sẽ càng ngon. Theo “kinh nghiệm đi chợ”, quả dưa có những đặc điểm trên thường ngọt và ít hạt hơn.
Trong một trang ẩm thực trên Facebook, nhiều người cho rằng không nói về cơm chuối là một thiếu sót.
Một số dân miền Tây gọi cơm chuối như “món quốc dân” vì cây chuối phổ biến, dễ bắt gặp ở vùng sông nước này.
Người ăn thường lựa chuối xiêm (chuối sứ) chín.
Chuối ăn cùng cơm sẽ mềm, có vị ngọt, đôi khi chua nhẹ giúp mâm cơm lạ miệng và “ngon nhức nách”.
Với những tô cơm xoài vàng bắt mắt, dân miền Tây thường lựa những trái vừa chín tới, không quá sống hay chín để giữ vị tươi ngon.
Xoài được “tuyển chọn” phải vàng, căng mịn. Một cách phân biệt khác là cuống xoài nhấn xuống hơi mềm. Hai loại xoài thường xuất hiện trong mâm cơm dân dã, đời thường thế này là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu.
Nếu là xoài xanh, dân miền Tây cũng linh hoạt chế biến. Điển hình là bào thành sợi để ăn cùng các món như khô, cá chiên, thịt kho. Xoài xanh thường lựa chọn những trái cuống còn mủ, vỏ xanh không quá đậm hoặc nhạt.
Để cơm độn xoài “kích thích” hơn thì không thể thiếu một số nước chấm như mắm đường, ớt cay. Ngoài ra, một số món cơm trái cây khác khiến nhiều khách du lịch trầm trồ khi đến miền Tây như cơm chan nước dừa, cơm bơ, cơm mận…
Thịt cá nhiều, nhưng có cơm trộn trái cây nuốt mới trôi
“Trước giờ tưởng trái cây chỉ dùng để tráng miệng”; “Trái cây ăn cùng cơm thật hả?”; “Chưa nghĩ được vị ra sao” – một số người dùng TikTok thắc mắc. Lý do món cơm này phổ biến ở miền Tây là do đây là xứ miệt vườn. Mỗi nhà thường trồng vài loại cây ăn quả hoặc có thể mua giá rẻ.
Việc kết hợp hai thành phần “độc lạ miền Tây” như thế đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bà con nơi đây.
Một số lời truyền miệng khác cho rằng cách ăn như vậy là do lúc trước miền Tây còn nghèo, nên ăn trái cây với cơm để tiết kiệm. Từ đó sinh ra tên gọi “cơm độn trái cây”.
Trên Facebook, bạn Sơn Nguyễn chia sẻ:
“Do người miền Tây quen ăn cái gì cũng phải ngọt như chè, nên mới ăn cùng những trái cây ngọt như thế”.
“Nói miền Tây thiếu thốn cá thịt thì không đúng. Cá tôm đầy đồng nhưng bà con ngại chế biến thôi.
Trời nóng mà còn nổi lửa nấu nướng thì nhọc. Cắt trái cây ra ăn cùng là nhanh nhất” – bạn Minh Tu Do viết. Bạn Thiên Thanh cũng hài hước nói: “Ai nói gì nói, tôi ăn cơm với thịt mà thiếu chuối già thì nuốt không trôi”.
Mặc dù có nhiều lời truyền miệng khác nhau về sự ra đời của cơm trái cây. Nhưng nhìn chung, cơm trái cây gần như là “món ăn quốc dân”, “thiếu chịu không nổi” trong những bữa cơm thường ngày của dân miền Tây.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-mien-tay-an-com-tron-trai-cay-mon-quoc-dan-thieu-chiu-khong-noi-20241209125254288.htm