VN chính thức xuất khẩu gạo từ tháng 11.1989. Tuy nhiên, mọi việc có thể đã khác nếu VN không khống chế được đại dịch rầy nâu, không phát triển được giống lúa cao sản, nông dân không hăng hái ra đồng… Đây cũng là một trong những dấu ấn lớn nhất của GS-TS Võ Tòng Xuân với người dân miền Tây. Ông được gọi là “tư lệnh” chống giặc rầy nâu, lai tạo giống mới.
Trở lại năm 1977, khi ĐBSCL xuất hiện dịch rầy nâu giống mới, tàn phá các đồng lúa năng suất cao. Hàng trăm nghìn nông dân lâm cảnh trắng tay, phải bỏ nhà dắt díu đi xứ khác. GS Võ Tòng Xuân khi ấy đã đánh điện tín cho Viện Lúa quốc tế (IRRI, tại Philippines), nơi ông từng làm nghiên cứu sinh, nhờ giúp đỡ. Từ 5 gr lúa giống IR36 do IRRI hỗ trợ, chỉ sau 7 tháng, GS Xuân và cộng sự của mình đã sản xuất thành công 2.000 kg lúa giống có khả năng kháng rầy. Đến năm 1978, cùng với giống lúa kháng rầy, hàng ngàn sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đã cùng bà con nông dân ra đồng. Rầy nâu bị đẩy lùi và giống kháng rầy của GS Xuân nhanh chóng lan rộng khắp miền Tây. Đến năm 1979, rầy nâu chính thức vắng bóng, còn lúa thì cho năng suất đến 9 – 10 tấn/ha.
GS Võ Tòng Xuân là một trong những người thúc đẩu phát triển kinh tế ĐBSCL trên 3 trụ cột là cây lúa thủy sản và rau quả
Công Hân
GS-TS Võ Tòng Xuân cũng là một trong những người đầu tiên góp phần mở cánh cửa đưa gạo Việt ra thế giới. Trước năm 1989, đói ăn vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của mỗi người dân VN. Là một chuyên gia hàng đầu về cây lúa và là đại biểu Quốc hội, GS Xuân đã đề nghị Chính phủ mở cửa xuất khẩu gạo mà không cần phải lo đến an ninh lương thực, vì VN hoàn toàn chủ động được. Chỉ trong 2 tháng mở cửa, VN đã xuất khẩu đến 1,4 triệu tấn gạo. Và đúng như khẳng định của GS, từ năm 1989 đến nay an ninh lương thực quốc gia chưa bao giờ là vấn đề đối với VN. Có một vài thời điểm giá gạo thế giới bất ngờ lên cơn sốt, người dân kéo nhau mua gạo dự trữ, Chính phủ phải tạm ngưng xuất khẩu như năm 2008, thì GS Xuân và nhiều chuyên gia trong ngành cũng kịp thời lên tiếng trấn an. “Trong khi các nước phải trữ gạo trong kho thì VN có kho dự trữ tự nhiên ngoài đồng ruộng, vì gần như quanh năm lúc nào ở ĐBSCL cũng có lúa đang thu hoạch. Không chỉ 3 vụ mà thậm chí VN còn có thể đẩy lên đến 4 vụ lúa mỗi năm nếu cần”, GS Xuân giải thích.
Sau khi đảm bảo an ninh lương thực và có lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới, GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn không bằng lòng. Ông ngày đêm trăn trở, làm sao để hạt gạo VN không chỉ nhiều về lượng mà còn phải có phẩm chất tốt, giá thành cao và thu nhập xứng đáng cho người trồng lúa. Làm sao để hạt gạo của VN vừa giữ được bản sắc Việt mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của thị trường. “Tôi đã ước ao tìm được trong số hàng trăm giống lúa cổ truyền của ĐBSCL một giống lúa ngon cơm nhất để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân”, GS Xuân tâm sự.
Công tác sản xuất giống lúa trở thành thế mạnh của VN
Công Hân
Để thực hiện khát vọng đó, GS giao cho sinh viên của mình “bài tập về nhà”. Mỗi sinh viên về quê ăn tết phải sưu tầm 5 giống lúa địa phương và nộp lại cho bộ môn. Cùng với những giống lúa đã được sưu tập trước đó, Trường ĐH Cần Thơ đã thu về khoảng 1.000 giống lúa mùa. Trong đó, nhiều giống có phẩm chất tốt, ngon cơm, gạo thơm, có giá trị xuất khẩu, tính chống chịu và thích nghi rất tốt…; nhưng những giống này tính kháng rầy kém.
Để rút ngắn thời gian nghiên cứu, GS Xuân chủ trương xin giống lúa lai tạo đời thứ 4 – 5 của IRRI. Từ đó, các giống lúa bản địa được chọn lọc như: Tàu Hương, Nàng Thơm, Châu Hạng Võ, Nanh Chồn, Huyết Rồng… lai tạo với những gien quý nhưng ngắn ngày, kháng rầy nâu từ IRRI tạo ra giống mới. Công tác lai tạo bắt đầu từ 1980 tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa ĐBSCL của Trường ĐH Cần Thơ. Hai giống ngon thơm và ngắn ngày là MTL233 và MTL250 ra đời, thúc đẩy quá trình tìm kiếm giống ngon cơm từ nhiều cơ quan nghiên cứu. Đây cũng là tiền đề cho nhiều giống lúa được phát triển sau này.
Lịch sử ngành lúa gạo VN sẽ không thể thiếu cột mốc đặc biệt quan trọng vào ngày 12.11.2019. Đó là thời điểm giống gạo ST25 của VN do ông Hồ Quang Cua lai tạo được vinh danh là “World’s Best Rice” – gạo ngon nhất thế giới, tại Manila (Philippines).
GS-TS Võ Tòng Xuân cũng là người sát cánh với cha đẻ của gạo ST25, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, và GS là người truyền tin vui sớm nhất từ Philippines về cho giới truyền thông ở tại quê nhà. GS Xuân cũng trực tiếp giới thiệu về những đặc tính ưu việt của giống ST25 cũng như nhiều giống lúa thơm đặc sản của VN cho các doanh nghiệp (DN) thế giới tò mò tìm hiểu về “ngôi sao mới” của thị trường gạo khi ấy.
“Lúa thơm của Thái Lan hay Ấn Độ rất đặc biệt, chất lượng rất cao, nhưng hạn chế là chỉ sản xuất được một vụ mỗi năm và năng suất không cao nên giá thành rất cao. Trong khi đó, ST25 và những giống lúa thơm VN thì ngược lại, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao và phẩm chất không thua kém”, GS Xuân cho biết. Câu chuyện “thần kỳ” của gạo thơm VN đã thu hút sự quan tâm của các nhà làm thương mại quốc tế. Cũng từ đó, gạo Việt bước sang một trang mới, trang của những nước có gạo chất lượng cao, giá cao.
Nhưng chưa dừng ở đó, vị thế của hạt gạo Việt còn được nâng lên một tầm cao mới, vị thế của một cường quốc lúa gạo với an ninh lương thực toàn cầu. Còn nhớ năm 2023, khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung gạo do thời tiết khô hạn bất thường. Để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Một số nước cũng hạn chế bán ra thông qua hàng rào thuế quan và hàng loạt nước đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ. Với trách nhiệm của cường quốc lúa gạo, VN đã đẩy mạnh xuất khẩu, lần đầu tiên sản lượng đạt kỷ lục 8,1 triệu tấn. Trong 7 tháng của năm 2024, sản lượng xuất khẩu gạo của VN vượt 5 triệu tấn và dự báo cả năm nay xuất khẩu tiếp tục vượt 8 triệu tấn. Đáng chú ý, trong nhiều năm gần đây, thị phần gạo thơm, chất lượng cao của VN luôn chiếm khoảng 40% trong tổng cơ cấu gạo xuất khẩu. Các giống gạo thơm của VN đã xâm nhập vào các thị trường khó tính nhất thế giới như Nhật Bản, EU hay Mỹ…
Chất lượng tốt thì giá tăng, ngay cả ở phân khúc gạo thông dụng 5% tấm thì gạo VN cũng có giá cao nhất thế giới; một số thời điểm cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 50 – 100 USD/tấn. Ở thời điểm hiện tại, giá gạo 5% tấm của VN đạt mức 578 USD/tấn, trong khi Thái Lan là 563 USD/tấn và Pakistan là 542 USD/tấn.
Thậm chí, từ sự phát triển mạnh mẽ của gạo thơm VN trên trường quốc tế và những ưu thế vượt trội trên đồng ruộng nên khoảng 2 năm nay nông dân Thái Lan cũng chuyển dần sang trồng giống lúa thơm của VN thay vì các giống bản địa.
Còn “bài tập về nhà” cho sinh viên trong dịp nghỉ tết năm nào nay đã trở thành ngân hàng lúa giống của Trường ĐH Cần Thơ với trên 3.000 giống, được chia làm 3 bộ sưu tập chính gồm: lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản. Trong đó, trên 1.988 mẫu giống lúa mùa, 700 mẫu giống lúa rẫy và khoảng 200 mẫu giống nhập ngoại.
Nhưng trăn trở lớn nhất của GS Võ Tòng Xuân là làm sao giúp nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn phải làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. “Thầy nói thiếu đô la quan trọng hơn thiếu lúa. Mà ráp lúa – tôm thì vừa có đô la vừa có lúa”, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nhớ lời của GS Xuân khi phát hiện ra sự tuyệt vời của mô hình lúa – tôm ở vùng ven biển miền Tây cách đây 40 năm.
Trong những năm cuối đời, GS-TS Võ Tòng Xuân cũng là một trong những người tích cực nhất vận động cho mô hình canh tác lúa thông minh phù hợp với từng vùng sinh thái của ĐBSCL cũng như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Bởi dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 – 3 thế giới, nhưng mấy mươi năm qua nông dân trồng lúa không thể giàu do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới đang chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
GS Xuân và nhiều chuyên gia tâm huyết với vùng đất này đã ra sức vận động cho mô hình sản xuất “thuận thiên” phù hợp với tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL được chia thành 3 vùng, bao gồm vùng đầu nguồn sông Cửu Long gồm các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Vùng này có nước ngọt quanh năm và có thể sản xuất lúa 3 vụ ăn chắc, đủ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có dư để xuất khẩu. Vùng giữa gồm Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và một phần của Hậu Giang, Long An, có thể kết hợp trồng lúa và cây ăn trái. Phần còn lại là vùng ven biển, có thể trồng lúa theo mùa kết hợp nuôi tôm.
Theo GS Xuân, an ninh lương thực không chỉ cần có gạo để no bụng mà cần phải có thịt cá, rau củ để đảm bảo dinh dưỡng. Chính vì vậy, để giúp nông dân ĐBSCL giàu lên từ nông nghiệp, phải giải bài toán kinh tế mang tính tổng thể dựa trên nhu cầu của thị trường và đặc tính sinh thái tự nhiên của từng tiểu vùng, không nên duy trì vị thế độc tôn của cây lúa. Càng không nên áp dụng các giải pháp công trình ngăn mặn trữ ngọt quy mô lớn. Trên cơ sở nghiên cứu, GS chỉ ra ở các tỉnh ven biển, lúa – tôm là mô hình tuyệt vời. Đặc biệt, giống gạo ST25 rất phù hợp với mô hình này, mang lại hiệu quả kinh tế lớn…
Đến năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, được nhiều người gọi là Nghị quyết “thuận thiên”. Kết quả là những năm gần đây, nông dân trồng lúa vui mừng vì vừa được mùa, trúng giá; các nhà vườn trồng cây ăn trái như: mít, chuối, xoài, dừa và đặc biệt là sầu riêng thu về lợi nhuận kinh tế cao. Trong khi đó, thế mạnh thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, đang hồi phục sau một năm đối mặt khủng hoảng kinh tế thế giới. Kinh tế ĐBSCL đang được hình thành trên 3 trụ cột là lúa, thủy sản và rau quả.
GS-TS Võ Tòng Xuân cũng chính là người tích cực tuyên truyền vận động mô hình sản xuất thông minh, phát thải thấp thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp hạt gạo VN “xanh hơn” cũng như thực hiện cam kết của Chính phủ VN về một nền nông nghiệp Net Zero. Khi đó hạt gạo và nông sản VN sẽ đi xa hơn, vào các thị trường khó tính hơn với số lượng lớn hơn. GS Xuân bảo đó mới là vị thế mới mà hạt gạo VN cần xác lập.
Ngày 27.11.2023, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt. Hiện mô hình này đang triển khai mạnh mẽ ở ĐBSCL, dù thầy Xuân đã dừng lại.
Có thể nói, hành trình của cây lúa, hạt gạo VN gắn liền với hành trình cuộc đời GS-TS Võ Tòng Xuân. Dù thầy đã ra đi, nhưng dấu giày của thầy trên đồng ruộng miền Tây, dấu ấn của thầy với ngành nông nghiệp nước nhà vẫn luôn hiện diện và nối tiếp.
GS-TS Võ Tòng Xuân và nhà báo Hồng Hạnh, Báo Thanh Niên. Ông là người bạn lớn của báo Thanh Niên, luôn tâm huyết với báo.
Dù GS Võ Tòng Xuân đã ra đi, nhưng tâm huyết của ông, thành tựu của ông vẫn còn mãi với nền nông nghiệp cũng như người dân miền Tây nói riêng và cả nước nói chung
Duy Tân
Thanhninen.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nguoi-mang-khat-vong-gao-viet-ra-the-gioi-185240824203442513.htm