Với người bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể hỗ trợ quản lý lượng đường trong máu. Tuy nhiên, vì trái cây cũng chứa đường và carbohydrate tự nhiên nên việc tìm ra khẩu phần phù hợp là rất quan trọng.
Trong đó, dưa hấu là loại quả quen thuộc trong mùa hè, có vị ngọt mát, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, dưa hấu có phải là món ăn thích hợp với người bệnh tiểu đường không là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu có tốt không?
Theo Medical News Today, dưa hấu là loại quả giàu vitamin A và C, ngoài ra còn có nhiều chất chống oxy hóa. Một hợp chất chống oxy hóa đặc biệt có nhiều trong dưa hấu là lycopene, được nghiên cứu cho thấy có đặc tính chống ung thư và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Dưa hấu cũng tốt cho đường ruột, chức năng thận. Theo nhiều nghiên cứu, dưa hấu cũng có thể hỗ trợ giảm cân, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ác tính liên quan tới vú, dạ dày, ruột kết và phổi.
Dưa hấu có chỉ số đường huyết (GI) là khoảng 72. Bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào có GI từ 70 trở lên đều được xếp vào hàng cao.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Đánh bại Bệnh tiểu đường, do tỷ lệ nước trong dưa hấu cao (khoảng 92% là nước) nên dưa hấu có lượng đường huyết thấp là 5.
Điều này cho thấy rằng tiêu thụ dưa hấu ở dạng nguyên bản mà không chế biến thành nước ép hay sinh tố là một đề xuất an toàn và ngon miệng cho bệnh nhân tiểu đường.
Bệnh nhân tiểu đường ăn dưa hấu theo cách nào là tốt nhất?
Người mắc bệnh đái tháo đường có thể thêm dưa hấu vào các bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ bằng cách ăn trực tiếp hoặc xay sinh tố, kết hợp với các loại hạt, thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, protein. Tuy nhiên, điều quan trọng là không thêm đường và không kết hợp với các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường không nên tiêu thụ dưa hấu dưới dạng nước ép. Theo Tổ chức Bệnh đái tháo đường Defeat, nước ép hoa quả có hàm lượng đường cao hơn so với hoa quả nguyên bản. Đồng thời, quá trình ép hoa quả thành nước ép cũng làm giảm lượng chất xơ trong hoa quả. Chất xơ có vai trò giúp giảm hấp thụ đường trong ruột, do đó, việc tiêu thụ dưa hấu dưới dạng nước ép có thể khiến mức đường huyết tăng đột ngột.
Người tiểu đường nên ăn bao nhiêu dưa hấu là an toàn?
Trang tin sức khỏe Healthline cho biết 1 chén dưa hấu xắt cục (152 gram) chỉ chứa 12 gram carb. Trong khi người bệnh tiểu đường tiêu thụ một lần 15 gram carbohydrate là an toàn.
Nhưng hãy cẩn thận với nước ép dưa hấu, bởi nó thường bao gồm lượng dưa hấu nhiều hơn, có tải lượng đường huyết rất cao, lại không có chất xơ, theo Indian Express.
Người tiểu đường nên điều chỉnh khẩu phần tùy vào mức độ kiểm soát lượng đường và khả năng dung nạp carbohydrate của mình.
4 lưu ý cần thiết khi người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu
Nên ăn dưa hấu sau bữa ăn chính khoảng 2 giờ
Thông thường, thức ăn nạp vào cơ thể sẽ được tiêu thụ hoàn toàn sau 3 tiếng, vì thế sau khoảng thời gian này cần bổ sung thêm thức ăn nhằm tránh bị hạ đường huyết. Bên cạnh đó, tránh ăn ngay sau bữa ăn vì sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Vì thế, hoa quả nói chung và dưa hấu nói riêng nên được ăn sau bữa ăn khoảng 2 tiếng, những lần ăn cần cách nhau ít nhất 6 giờ và chỉ nên ăn từ 2-3 lần mỗi ngày.
Nên cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn
Việc chia dưa hấu thành nhiều miếng vừa ăn sẽ tiện lợi hơn trong việc bảo quản. Ngoài ra, cũng sẽ giúp kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ, ổn định lượng đường trong máu.
Nên ăn cả phần thịt trắng
Có thể ít người biết nhưng phần thịt trắng của dưa hấu là phần chứa rất nhiều chất xơ. Phần này sẽ góp phần ổn định lượng đường trong máu, hạn chế đường hấp thu vào đường ruột.
Không ăn dưa hấu đông lạnh
Người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn dưa hấu đông lạnh vì dễ gây khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy,…
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-tieu-duong-an-dua-hau-the-nao-de-on-dinh-duong-huyet-va-khong-tang-can-172240508111141098.htm