Cuối tháng 1 năm 2024 vừa qua, 39 phóng viên nhà báo đã có chuyến công tác trên tàu Trường Sa 16 thực hiện nhiệm vụ đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các cụm Dịch vụ kinh tế- Khoa học kỹ thuật (gọi tắt là DK1) và các tàu trực trên thềm lục địa phía Nam của đất nước.
Hiện nay trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía nam của tổ quốc có 15 nhà giàn, các nhà giàn này có nhiều nhiệm vụ, nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là chốt giữ bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía nam của tổ quốc. Hàng năm trước mỗi dịp Tết cổ truyền, cán bộ chiến sỹ vùng 2 Bộ tư lệnh Hải quân lại mang những yếu phẩm và tình cảm từ đất liền tới các cán bộ chiến sỹ trên nhà giàn DK1.
Trải qua hải trình kéo dài 15 ngày với tình hình thời tiết sóng to, gió lớn (cấp 5, cấp 6), giống như nhiều đồng nghiệp khác, nhà báo Alăng Ngước – báo Quảng Nam có chút lo lắng không chỉ là lần đầu đến tới nơi đây mà còn lo vì chưa định hình được việc đi lại sẽ như thế nào, đặc biệt vào dịp cuối năm, sóng biển to hơn bình thường.
Nhà báo Alăng Ngước đã liên hệ với các đồng nghiệp đã từng đi tác nghiệp ở các nhà giàn để hỏi về kinh nghiệm, việc chuẩn bị, bảo quản thiết bị tác nghiệp, mang các đồ dùng cá nhân khi tác nghiệp, chuẩn bị các loại thuốc say sóng… Sau khi tàu rời đất liền, nhà báo Alăng Ngước cùng các đồng nghiệp nhanh chóng làm quen với nhịp sống trên tàu, sự háo hứng phải nhường chỗ cho sự mệt mỏi và say sóng, khi sóng lớn cao từ 3 đến 5m liên tục diễn ra.
Nhà báo Alăng Ngước chia sẻ: “Trong chuyến đi nhiều này, ngoài thời gian di chuyển từ các địa phương về, các phóng viên phải mất 4 ngày trên biển để tiếp cận được với nhà giàn đầu tiên. Đã có nhiều phóng viên bị say sóng, bị mệt nhưng khi loa truyền thanh thông báo chuẩn bị tiếp cận nhà giàn thì lúc đó ai cũng háo hức, tươi tỉnh hẳn lên. Họ muốn tận mắt chứng kiến các nhà giàn, nơi mà trước đây chỉ thấy qua báo chí, phim ảnh”.
Dù biết còn nhiều khó khăn, thách thức trong chuyến đi, nhưng mỗi nhà báo đều mong muốn được tới nơi làm nhiệm vụ, nơi ăn ở trên nhà giàn, để biết thêm được nhiệm vụ thiêng liêng của các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió, giữa muôn trùng khơi. Tuy nhiên để xuống được xuồng và di chuyển lên các nhà giàn là việc không hề dễ dàng.
Nhận thấy biển động mạnh không thể tiếp cận được nhà giàn, chỉ huy đoàn đã thực hiện chuyển hàng hóa vào trước, quyết định neo lại chờ sóng yên hơn để đưa đoàn lên nhà giàn.
Nhà báo Nguyễn Nhật Quỳnh – báo Lâm Đồng chia sẻ, khi ra tới đây tôi mới thấy rõ được sự khắc nghiệt của thời tiết, việc vận chuyển người, hàng hóa, thiết yếu đến các nhà giàn là cực kỳ khó khăn, trong điều kiện càng ra khơi xa sóng càng to gió càng mạnh. Trong quá trình di chuyển xuống thuyền nếu sơ suất một chút có thể nguy hiểm có thể thiệt hại về người. Phải mất khá nhiều thời gian để tiếp cận, xuồng máy chạy mất nhiều vòng để căn cơn sóng, nhiều đợt sóng cao như nuốt chửng cả con xuồng nhỏ bé. Cả đoàn chỉ yên tâm khi xuồng tiếp cận được với nhà giàn, đưa hàng hóa lên và trở lại thuyền.
Mỗi một gói hàng được vận chuyển tới nhà giàn thành công là bớt đi nỗi lo, cùng với đó là sự đón nhận và niềm vui của các chiến sỹ trên nhà giàn khiến ai cũng xúc động. Những món quà đó không chỉ những nhu yếu phẩm hàng ngày, cho dịp Tết mà còn là sự gửi gắm tình cảm, tình yêu của đất liền với các chiến sỹ ở vùng biển xa xôi của tổ quốc.
Sau nhiều thử thách, vượt qua những cơn sóng lớn, nhiều nhà báo, phóng viên có mặt lên tới nhà giàn, đối với các nhà báo phóng viên đây là cơ hội đặc biệt để ghi lại chân dung người chiến sỹ, hiểu hơn về những nhiệm vụ của các anh đang đảm nhiệm. Là cơ hội tốt ghi nhận đời sống thực tế của các chiến sỹ để làm nên những bài viết mang chủ đề vượt sóng ăn Tết tại nhà giàn DKI.
Các chiến sỹ ở nhà giàn trong muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn luôn lạc quan. Ngay trong dịp Tết họ chuẩn bị chu đáo, bao gồm như: đào, quất, bánh chưng, treo câu đối…, mọi thứ được bài trí cẩn thận tạo không gian đón Tết không khác gì đất liền, cho dù điều kiện về cơ sở vật chất không bằng, họ vẫn luôn lạc, vui Xuân mới, không quên nhiệm vụ.
Trong khoảng thời gian ngắn, mọi người tranh thủ quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn… mỗi người một cách thức, nhưng tất cả đều mong muốn qua tác phẩm của mình để công chúng biết thêm được cuộc sống của các chiến sỹ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Hiểu hơn về cuộc sống ở vùng biển xa xôi của tổ quốc để rồi càng yêu hơn các chiến sỹ hải quân và yêu hơn tổ quốc mình.
Đối với mỗi người làm báo, khi công tác trên những chuyến hải trình dịp Tết này, họ không chỉ là thực hiện mong ước của mình là đi đến những vùng đất mới, những chiến sỹ mà mình chưa bao giờ được gặp. Mà đây còn dịp để gặp hiểu hơn về những đồng nghiệp ở mọi miền của tổ quốc, được học về những nghiệp vụ mới, trao đổi kỹ năng, giúp nhau tác nghiệp và thắt chặt thêm tình đoàn kết đồng nghiệp, trải qua nhiều thử thách họ không còn khoảng cách như ban đầu.
Nhà báo Nguyễn Nhật Quỳnh tâm sự: “Trong hành trình làm báo của tôi, đây sẽ là dấu mốc không thể nào quên được, tôi có thêm những người bạn đồng nghiệp, những kỷ niệm, những kinh nghiệm tác nghiệp được học hỏi trau dồi. Biết thêm được nhiều chiến sỹ hải quân, có thể cảm nhận được sự nỗ lực, sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ của họ”.
Hải trình mang mùa xuân đến các nhà giàn DK1 có thể đã khép lại nhưng mỗi người làm báo như được tiếp thêm sức mạnh, thêm tình yêu quê hương biển đảo. Để khi trở về đất liền họ tiếp tục giữ vững ngòi bút tuyên truyền về biển đảo quê hương và góp phần tạo thêm động lực cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thêm vững tay súng, chắc chân sóng, khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.