Tác giả Bùi Thanh Hải – Ban Bạn đọc (Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt) với Loạt 3 bài “Công viên địa chất toàn cầu bị “xẻ thịt”- Giải A thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra báo in:
Góp một phần nhỏ bảo vệ những giá trị trường tồn của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn
“Năm nay, Lễ trao Giải Báo chi Quốc gia được tổ chức với nhiều điểm mới, sáng tạo và hấp dẫn khiến những tác giả đạt giải như chúng tôi rất mong chờ và hào hứng. Hi vọng trong năm 2025 – Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo sẽ tiếp tục nỗ lực để có những tác phẩm thực sự chất lượng mừng đại lễ này”- Nhà báo Bùi Thanh Hải.
Những ngày cuối tháng 3 – đầu tháng 4/2023, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng lợi dụng thi công nắn cua, mở đường xây dựng nông thôn mới để khai thác đá trái phép trong vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Nhóm phóng viên đã dành nhiều ngày điều tra, ghi nhận các hoạt động khai thác, buôn bán đá trái phép, ghi hình dấu hiệu tiêu cực tiếp tay để trục lợi của lãnh đạo địa phương, tham nhũng từ việc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.
Quả thực, người ta núp bóng mở đường nông thôn mới, mở đường giao thông để khai thác đá đem đi xây dựng homestay, làm những việc khác. Nhóm phóng viên đã dùng nhiều vai để gặp trực tiếp người khai thác, người bán, người mua đá… để dựng lại quy trình đầy đủ của việc khai thác đá trái phép.
Từ những “nguồn tin” này, nhóm phóng viên tìm cách tiếp cận được những cán bộ được coi là “bảo kê, đứng sau” việc khai thác đá trái phép. Một vị lãnh đạo thị trấn Đồng Văn tư vấn cho chúng tôi tường tận cách “lách” để có được đá từ cao nguyên đá Đồng Văn.
Trong vụ việc, các phóng viên hiện trường phải giáp mặt với các đối tượng có hành vi vi phạm khai thác, buôn bán đá trái phép tại cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi nhớ tình huống nguy hiểm khi giáp mặt một chủ xưởng nghiền đá ở cao nguyên đá Đồng Văn. Người này có hành vi bán đá trái phép từng bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, báo chí phản ánh.
Chính vì vậy, người vi phạm rất cảnh giác khi có người lạ tiếp cận. Chúng tôi phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi, truy vấn hóc búa từ tên, tuổi, địa chỉ, doanh nghiệp nào, địa chỉ công ty ở đâu, mã số thuế doanh nghiệp, mua đá làm gì, loại đá, sử dụng ra sao, tỷ lệ phối thế nào? Chỉ một câu trả lời gây nghi ngờ, chúng tôi có thể bị “đóng cổng, nhốt lại”. Nhờ những thông tin chuẩn bị trước, nhóm phóng viên vượt qua được bài tra hỏi hóc búa để đối tượng cung cấp các địa chỉ đã “tuồn” đá bán trái phép.
Tác giả Tự Sang – Báo Pháp luật TP.HCM với tác phẩm “Thâm nhập đường dây mua, bán thận ở TP.HCM”- Giải B thể loại: Phóng sự, Phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép:
Đưa những “góc khuất” của việc mua bán thận ra ánh sáng
Việc mua bán thận nói riêng, mua bán tạng người sống nói chung là thực tế đã và đang xảy ra, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm, sẽ khó để chấm dứt triệt để nếu không thay đổi cơ chế, chính sách, luật pháp về vấn đề này. Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên nhận thấy đây không phải là vấn đề mới mà thiệt thòi vẫn là “người hiến” và “người được hiến”.
Bởi “Người hiến” phải bán tạng của mình, còn “người được hiến” thì phải mua với giá rất cao. Thực tế tại TP.HCM có một đường dây mua bán thận và hoạt động trên phạm vi cả nước. Đường dây này hình thành nên các mối liên kết, dụ dỗ người nghèo bán thận với giá thấp (khoảng 250 – 300 triệu đồng) nhưng lại bán cho người bệnh với giá rất cao (từ 1, 2 tỉ đến 1,3 tỉ đồng).
Tuy nhiên, thị trường mua bán thận vẫn diễn ra rất sôi động bởi cung – cầu có sự chênh lệch quá lớn, “lợi nhuận” rất cao. Khi những đường dây mua bán bị phanh phui, ngoài những cá nhân, tổ chức trục lợi bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự, còn lộ ra một góc khác. Đó là những gương mặt xanh xao, yếu ớt của người nghèo, vì nợ nần, túng quẫn nên “làm liều”, phải bán đi một phần cơ thể. Còn người mua, với quả thận được “hét giá” hàng tỉ đồng thì cần phải có điều kiện kinh tế nhất định.
Như vậy, nếu người chưa có điều kiện kinh tế mà mắc bệnh thì việc ghép thận phải mang lên bàn cân để đong đếm bằng tiền, phải nằm trong danh sách chờ tới lượt hoặc không thể chờ nữa.Từ đó, nhóm phóng viên đã vào cuộc điều tra đường dây mua bán thận này, để từ đây tìm giải pháp mới, đi vào gốc rễ của vấn đề là làm sao tìm được nguồn hiến tạng từ người chết não, chết tim – một nguồn hợp lý, an toàn, không ảnh hưởng đến người hiến.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng trailer “Thâm nhập đường dây mua bán thận tại TP.HCM”, ngay trong đêm 8-10, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bình Chánh vào cuộc phối hợp. Qua đó đã truy bắt và khởi tố một nhóm đối tượng để điều tra về tội mua bán bộ phận cơ thể người.
Đồng thời Bộ y tế và Sở Y tế TP.HCM cũng vào cuộc thanh tra lại toàn bộ quy trình ghép thận tại các bệnh viện. Từ hiệu ứng của loạt bài, Bà Phạm Thị Hảo (chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho rằng cần sửa đổi nhiều quy định để giúp tăng nguồn tạng hiến từ người chết não.
Tác giả Tạ Duy Thành – Ban Thời Nay, Báo Nhân Dân với loạt 3 kỳ “Giải pháp để đầu tư công hiệu quả”- Giải B thể loại Tin, phản ánh, phỏng vấn báo in:
Nhìn nhận những khiếm khuyết góp phần “đẩy” đầu tư công về đích
Dòng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế góp phần quan trọng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2023, nước ta đã có một năm thành công nếu chỉ tính riêng lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục xác định lấy đầu tư công là nguồn lực và động lực của sự phát triển.
Tuy nhiên những thành công bước đầu có nguy cơ “đổ sông đổ bể” trước những căn bệnh cũ, những khiếm khuyết cố hữu của hệ thống, chậm giải ngân vốn đầu tư công, đội vốn đầu tư công. Mong muốn góp một phần nhỏ bé “đẩy” đầu tư công về đích, chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng cho loạt bài và thực hiện khảo sát, tìm hiểu thực tế ở nhiều đơn vị, địa phương.
Thực tế khác xa với những gì đã được lên kế hoạch. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân từ quy mô nhỏ (chuyên thi công các công trình dân sự) cho đến các tập đoàn xây dựng lớn nhất nhì Việt Nam… đều ngại khi động chạm đến chủ đề nhạy cảm. Tập đoàn Sơn Hải nhất quyết không làm việc với phóng viên khi biết nội dung vấn đề chúng tôi tìm hiểu.
Tập đoàn Vingoup không chỉ không làm việc mà còn tác động để tên của tập đoàn không xuất hiện trong loạt bài. Rất nhiều chuyên gia chỉ đồng ý tư vấn, làm việc với điều kiện được giấu tên. 10 tỉnh, thành phố nhóm phóng viên đã đi qua như Quảng Ninh, Hải Phòng, Daklak…, nhưng kết quả thu được cũng hạn chế. Có những vấn đề chỉ được giải đáp khi đến tận trạm bê tông tư nhân nhỏ trong một góc heo hút của tỉnh miền núi Tây Bắc…
Một góc vấn đề đã được bóc tách, gánh trên lưng sự kỳ vọng lớn. Định mức xây dựng được xác lập với vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Trên thực tế đã trở thành gánh nặng của đầu tư công trong xây dựng. Thậm chí “nặng” đến mức mang lại “cơm áo” một số bên và thiệt thòi cho ngân sách. Sự lạc hậu của định mức chưa phải là quan trọng nhất nhưng cũng là điều đầu tiên khả dĩ để bắt đầu thay đổi. Hướng đến trình độ quản lý ở mức cao, khắc phục căn bệnh vô cảm ở một số nơi.
Loạt bài được thực hiện trong khoảng 6 tháng, chỉ là một quãng thời gian ngắn so với hành trình hơn 4 thập kỷ phát triển của đất nước. Sự phát triển của đất nước song hành với việc ngày càng có nhiều thêm các dự án đầu tư công, quy mô của các dự án cũng lớn lên không ngừng. Căn bệnh đội vốn đầu tư công có nguy cơ trở thành một căn bệnh kinh niên.
Qua loạt bài này, chúng tôi mong muốn góp phần tác động, thay đổi căn bản cung cách quản lý cũng như tư duy làm việc đã cũ trong quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tiếp nhận trọn vẹn những giá trị của “làn sóng” đầu tư công.
Hoà Giang (Ghi)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-lam-bao-tiep-tuc-the-hien-ban-linh-dan-than-di-dau-trong-nhung-van-de-lon-cua-dat-nuoc-post300192.html