Do ảnh hưởng của bão số 3, ngày 10/9/2024, tuyến đường từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa (thuộc tỉnh Lào Cai) còn nhiều điểm sạt lở, cấm ô tô đi lại. Để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở phía sâu bên trong, nhóm phóng viên Báo Thanh Niên thuê xe ôm và đi bộ để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa. Nơi đây có vụ sạt lở đất làm 6 người chết, không chỉ đưa tin về khu vực thiệt hại, nhóm còn tổ chức trao tiền hỗ trợ từ bạn đọc đến các gia đình có người thân thiệt mạng.
Chỉ trong ngày 10/9, đại diện Báo Thanh Niên, Thị đoàn Sa Pa cùng đại diện chính quyền các xã: Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Thanh Bình đã trao 60 triệu đồng hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng trong các vụ sạt lở đất.
Nhà báo Phan Hậu, Báo Thanh Niên cho biết, “Các vụ sạt lở đất đã biến nơi đây thành một khu vực đổ nát hoang tàn. Chúng tôi đã đưa tin một cách chân thực về những hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều mất mát trong đợt thiên tai này. Có những gia đình mất cả vợ, con, căn nhà là nơi duy nhất để về cũng bị vùi lấp, cuốn trôi. Theo tinh thần khẩn trương, ngay trong những ngày đầu tiên ghi nhận về thiệt hại, Báo Thanh Niên đã phối hợp với các cơ quan đơn vị kịp thời tổ chức trao hỗ trợ và những chuyến hàng cứu trợ đến với đồng bào vùng mưa lũ các tỉnh miền Bắc để chuyển tải tình cảm, tấm lòng của bạn đọc gần xa và cập nhật thông tin đầy đủ trên mặt báo”.
Với cách làm này, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân không có điều kiện để trực tiếp đi trao quà, đã chuyển hàng cứu trợ đến các cơ quan báo chí để gửi đến người dân vùng lũ. Qua những bài báo, những bức hình được các cơ quan báo chí đăng tải, bạn đọc ở mọi miền của Tổ quốc thấy được các cơ quan báo chí sẽ là cầu nối để những phần quà của mình đến trực tiếp hỗ trợ người dân vùng lũ, những nơi đầy khó khăn gian khổ mà cơ quan báo chí vừa phản ánh.
Và đối với mỗi người làm báo mặc dù họ khá bận trong việc tác nghiệp, cập nhật thông tin về tình hình mưa bão, công tác khắc phục hậu quả mưa bão, nhưng họ vẫn luôn tâm niệm khi đồng bào ở nơi đó còn gặp khó khăn thì người làm báo không chỉ có đưa tin, viết bài mà còn mong muốn người dân sẽ được hỗ trợ kịp thời.
Trong những ngày đầu tiên xảy ra mưa lũ tại các tỉnh phía bắc, ngày 9/9 và ngày 10/9, hàng trăm suất quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ vượt qua hàng trăm cây số, chục điểm sạt lở đến tay bà con vùng lũ Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai… Mỗi suất quà gồm mì tôm, lương khô, nước lọc, sữa, đèn pin dùng khi mất điện… những thứ cần kíp nhất trong thời điểm đó. Ban biên tập Báo mong muốn những phần quà này có thể phát huy ngay tác dụng.
Riêng tại tỉnh Tuyên Quang, báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ gạo và thuốc men, để thực hiện việc này nhờ tỉnh đoàn Tuyên Quang lựa chọn điểm khó khăn, xa xôi chưa có hỗ trợ đoàn đến để trao tặng. Ngoài gạo còn các loại thuốc được đóng gói cẩn thận để trao cho người dân sử dụng nhằm hạn chế các loại bệnh có thể xảy ra trong và sau lũ.
Nhà báo Nguyễn Đức Bình – Phó trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ miền Bắc cho biết: “Ngoài việc trao quà trực tiếp đến từng hộ dân bị ảnh hưởng ngay trong thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi tính đến phương án dài hơi hơn, trong đó sẽ phối hợp với chính quyền địa phương ghi nhận những khó khăn của người dân sau khi lũ đi qua. Chú trọng đến việc đi học của các bạn trẻ. Tới đây khi các bạn trở lại trường học thì đồ dùng, trang thiết bị học tập sẽ thiếu…”.
Thực tế cho thấy, ngay sau khi năm học mới được khai giảng thì mưa bão xảy ra, nhiều trang thiết bị ở các điểm trường bị hỏng, bị trôi theo dòng lũ. Trong quá trình tác nghiệp nhóm phóng viên tại báo Tuổi Trẻ đã ghi nhận nhiều điểm trường toàn bộ đồ dùng học tập bị hỏng, các trang thiết bị trong nhà và ngoài trời bị hư hại không thể sử dụng. Họ cũng ghi nhận các điểm trường bị sập, không an toàn, cần xây dựng mới, với hi vọng sẽ được xây mới và xong sớm nhất để các em tiếp tục năm học mới.
Hiện, Ban biên tập báo Tuổi trẻ đang xây dựng phương án phối hợp với chính quyền và đoàn thanh niên các địa phương khảo sát nhu cầu của từng trường. Tránh chồng chéo, trùng lặp, một địa điểm có quá nhiều hỗ trợ mà điểm trường khác lại không. Ngoài ra, báo đã lên kế hoạch trao quà, học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Bình: “Trong quá trình triển khai công tác từ thiện, quan trọng nhất là xác định trong từng giai đoạn người dân cần gì, thời điểm vừa mất người thân, vừa mất nhà cần gì, sau đó giai đoạn phục hồi, xây dựng lại và bắt đầu lao động sản xuất lại thì cần gì. Có như vậy mới tránh tình trạng dư thừa, quá nhiều mì tôm, quá nhiều quần áo, thực phẩm… Chúng tôi đã nghĩ đến việc hỗ trợ các cây và con giống để người dân phát triển kinh tế gia đình, quan trọng những sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ đó phải phù hợp với điều kiện canh tác, điều kiện sống của người dân ở từng địa phương”.
Có thể nói, bằng rất nhiều cách, nhiều hình thức khác nhau, cho dù trực tiếp hay gián tiếp, các cơ quan báo chí và người làm báo trên mọi miền Tổ quốc đã đang và luôn nêu cao tinh thần sẻ chia, hướng về đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lũ.
Họ đã và đang xây dựng nên những “cây cầu” kết nối hàng triệu độc giả, làm nơi để trao gửi tình cảm của mình đến với người dân đang chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Những việc làm thiết thực của mỗi tòa soạn, mỗi người làm báo một lần nữa khẳng định công tác xã hội – từ thiện vì cộng đồng luôn là một phần trong hoạt động. Cũng qua đó tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của người làm báo trong đời sống xã hội.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-lam-bao-ket-noi-yeu-thuong-huong-ve-dong-bao-bao-lut-post312470.html