“Chúng ta không nên quên những anh chị em của mình ở Palestine”, một người Hồi giáo tên Abdulrahman Musa nói tại thủ đô Nairobi của Kenya.
Tại thành phố Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều tín đồ tại Nhà thờ Hồi giáo Aya Sofya mang cờ Palestine và hô khẩu hiệu ủng hộ người dân Gaza, nơi Liên hợp quốc cảnh báo rằng hơn một triệu người đang đối mặt với nạn đói.
Ngày lễ Eid al-Fitr ở Gaza cũng chẳng mấy vui vẻ, khi người Palestine trong trại tị nạn Jabaliya để tang những người thân trong số hơn 33.000 người thiệt mạng bởi cuộc xung đột giữa Israel – Hamas.
Giữa những tòa nhà bị đánh bom, một người phụ nữ tên Om Nidal Abu Omeira ngồi một mình và khóc bên mộ mẹ, con rể và cháu trai. Tất cả đều thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel.
“Những đứa trẻ cứ nói ‘Con nhớ bố, bố đâu rồi?’ Tôi nói với chúng rằng ông ấy đang ở trên thiên đường. Chúng bắt đầu khóc, và sau đó tôi cũng khóc theo”, cô chia sẻ.
Ở những nơi khác, người Hồi giáo bày tỏ lòng biết ơn với những gì họ có sau một tháng ăn chay và suy ngẫm. Trước ngày lễ, các khu chợ trên khắp thế giới tràn ngập người mua sắm. Người dân đổ ra khỏi thành phố để trở về làng để ăn mừng cùng gia đình và người thân.
Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, gần 3/4 dân số trở về quê hương trong dịp lễ. “Đây là thời điểm thích hợp để về quê, giống như sạc lại năng lượng đã cạn kiệt sau gần một năm xa nhà”, Ridho Alfian, sống ở thủ đô Jakarta và đang trở về tỉnh Lampung, cho hay.
Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á, tràn ngập tín đồ. Tại đây, các nhà thuyết giáo kêu gọi mọi người cầu nguyện cho người Hồi giáo ở Gaza.
Chủ tịch ban cố vấn Jimly Asshiddiqie của Hội đồng Nhà thờ Hồi giáo Indonesia cho biết: “Đây là lúc để những người theo đạo Hồi và không theo đạo Hồi thể hiện tình đoàn kết nhân đạo, bởi cuộc xung đột ở Gaza không phải là một cuộc chiến tôn giáo mà là một vấn đề nhân đạo”.
Azhra Ahmad, 45 tuổi, một bà mẹ 5 con hiện sống ở Berlin (Đức), cho biết: “Đây là ngày mà chúng tôi cảm thấy biết ơn về tất cả những gì chúng tôi có ở đây, và cầu nguyện cho những người đang phải đối mặt với xung đột và nghèo đói”.
Tại Pakistan, chính quyền đã triển khai hơn 100.000 cảnh sát và lực lượng bán quân sự để duy trì an ninh tại các chợ và nhà thờ Hồi giáo. Ở Malaysia, người Hồi giáo gốc Mã Lai đã thực hiện buổi cầu nguyện buổi sáng tại các nhà thờ Hồi giáo trên toàn quốc.
Ngọc Ánh (theo AP)