(Tổ Quốc) – Chợ ở Hà Nội hiện nay đã và đang có những sự thay đổi rõ rệt, ngoài chợ truyền thống còn có các trung tâm thương mại và chợ online. Mỗi loại hình chợ đều có những nét riêng nhưng không thể phủ nhận đây cũng là một cuộc cạnh tranh với chợ truyền thống.
Nhiều thay đổi theo thời gian
Hà Nội là một trong nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh nên chợ vì thế cũng có nhiều thay đổi theo thời gian để đáp ứng nhu cầu phát triển của dân cư. Nếu trước đây, nhiều khu chợ còn nhỏ lẻ, đơn giản thì sau này đã được chỉnh trang, xây lại, khang trang và to đẹp hơn như chợ Đồng Xuân. Thậm chí khu vực chợ trước đây còn trở thành những trung tâm thương mại sầm uất như chợ Cửa Nam. Chợ Mơ, chợ Hàng Da thì vừa kết hợp trung tâm thương mại phía trên vừa có chợ truyền thống ở dưới lòng đất…
Một trong những sự thay đổi nữa không thể không kể đến đó là chợ phiên ở Hà Nội. Nếu như ở các huyện ngoại thành Hà Nội hình thức chợ phiên vẫn còn duy trì và tồn tại không có quá nhiều sự khác biệt so với trước đây thì ở nội thành chợ phiên đã thay đổi. Các chợ phiên ở nội thành giờ đây, phần lớn đã mở cửa hàng ngày thay vì phải đợi đến phiên như trước đây. Còn các ngày phiên cũ thì sẽ có thêm một số mặt hàng “đặc trưng” mà ngày thường không có. Chẳng hạn trước đây chợ Bưởi một tháng sáu phiên vào các ngày tư, tháng chín thì nay vào những ngày phiên này có một khu riêng để người dân mua bán cây, con giống. Còn vào các ngày bình thường thì khu chợ này vẫn mở cửa với các mặt hàng phục vụ cuộc sống.
Hay như chợ Mơ, xưa kia được họp theo phiên vào các ngày 2, 7,12,17, 22, 27 âm lịch hàng tháng nhưng giờ thì chợ đã họp đều đặn vào các ngày.
Kể từ khi dịch Covid -19 xuất hiện, hoạt động mua bán diễn ra trên mạng trở nên phổ biến và tiện ích đã và đang làm thay đổi cách đi chợ của nhiều người Hà Nội. Cho đến khi đại dịch được khống chế thì thói quen mua bán online đã ngày càng trở nên thông dụng, thậm chí lấn át mua bán trực tiếp. Điều này dẫn đến các hoạt động của chợ truyền thống ít nhiều bị tác động và có sự thay đổi. Nhiều người bán hàng trong chợ phải nhanh nhạy bắt kịp xu hướng khi vừa trực tiếp theo cách truyền thống vừa phải bán hàng online. Tuy nhiên, không phải ai cũng bắt kịp xu thế trong việc mua bán online nên khá hụt hẫng khi lượng khách hàng sụt giảm đáng kể. Khái niệm “chợ online”, “mua hàng trên mạng”, “mua hàng trên sàn” đang ngày một phổ biến và có sự cạnh tranh khá lớn với chợ truyền thống.
Sự cạnh tranh khá thầm lặng nhưng lại nở rộ của những gian hàng online đã tác động khá rõ rệt tới các khu chợ truyền thống. Hình ảnh chợ nhộn nhịp, đông đúc như xưa đã giảm đi đáng kể. Có chợ, có gian hàng giảm sự đông đúc thì phản ánh việc buôn bán khó khăn, nhưng cũng có khi chưa chắc là vậy. Bởi nếu các mặt hàng được buôn bán kết hợp online thì người mua không cần phải trực tiếp đến chợ vẫn có thể mua sắm tất cả những gì mình cần.
Những thói quen được phân hoá theo lứa tuổi
Có thể thấy, những thay đổi về đô thị hoá, về sự gia tăng dân số và công nghệ thông tin cũng như mạng xã hội phát triển đã tác động khá rõ rệt đến các hoạt động của chợ ở Hà Nội. Người dân vì thế cũng có những thói quen thay đổi. Với những người già, thế hệ trước gắn bó với chợ truyền thống vì họ vẫn duy trì thói quen đi chợ như một nét văn hoá. Nhưng số này đang ngày càng ít đi.
Còn với những người ở độ tuổi trung niên họ đã và đang bắt nhịp với xu hướng mua bán online kết hợp truyền thống.
Khác với hai thế hệ kể trên thì giới trẻ tỏ ra lựa chọn mua bán online nhiều hơn so với mua bán truyền thống tại chợ.
Bạn Trâm (sinh viên ở quận Hai Bà Trưng) cho biết, bạn khá bận rộn với việc học, đi làm thêm, tham quan du lịch nên khá ưu tiên cho việc mua bán online, vừa nhanh, vừa lựa chọn so sánh giá nên thường mua được hàng giá và chất lượng đều ổn. Bạn rất sợ ra các chợ truyền thống mà bị nói thách cao vì không biết mặc cả thế nào, nếu mặc cả thấp quá cũng ngại. Bạn cũng cho rằng kí ức về chợ như các thế hệ trước không quá quan trọng, miễn là cuộc sống của mình vẫn tốt đẹp.
Thói quen mua bán thay đổi kể trên liệu có khiến những nét văn hoá đẹp của chợ bị mai một? Bà Hoa (70 tuổi ở Đống Đa) chia sẻ: Tôi có nhiều thời gian nên vẫn duy trì việc đi chợ hàng ngày. Không phải vì bây giờ có tủ lạnh lưu trữ thức ăn nhiều ngày được mà tôi ít đi chợ hơn. Cho đến bây giờ tôi đi chợ vì như một thói quen. Đi đến chợ tôi có rất nhiều cảm xúc, nhận được nhiều thông tin. Những thông tin đời sống nóng hổi của khu phố, của xã hội cũng được cập nhật, bình luận khá rôm rả tại chợ. Bên cạnh đó tôi còn được mặc cả, thăm hỏi những người quen khi ra đến chợ.
Như vậy có thể thấy, trong đời sống, dù ở thời xa xưa hay thời nay, dù chợ có những thay đổi thì ngoài nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá, chợ vẫn là nơi chứa đựng nhiều nét văn hoá đẹp. Đó cũng là một nhu cầu tình cảm, nhu cầu của đời sống tinh thần trong mỗi người dân.
Nguồn: https://toquoc.vn/nguoi-ha-noi-va-van-hoa-cho-bai-2-cho-truyen-thong-va-cuoc-canh-tranh-cho-online-20241124095155692.htm