(QBĐT) - Hơn 40 năm qua, ông Lê Văn Dương (SN 1965) ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) vẫn luôn tâm huyết với việc bảo tồn, gìn giữ và góp phần lan tỏa nghệ thuật bài chòi.
Nói về mối duyên nợ của mình với bài chòi, ông Dương hồ hởi kể: “Từ thuở nhỏ, ba tôi thường dẫn tôi đi xem hô bài chòi. Như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết, ba tôi và một số người trong làng lại tổ chức hội chơi bài chòi. Tôi còn nhớ như in, ngày ấy người dân đi chơi hội bài chòi rất đông, không khí luôn rộn ràng, vui vẻ”.
Tiếng hô hát, tiếng trống, tiếng gõ mõ và tiếng cười giòn giã của người dân đã in sâu vào tâm trí ông Dương, khơi dậy niềm đam mê đối với loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Sau này, ông tham gia vào tổ bài chòi của xã. Ở xã Mỹ Thủy, bài chòi được duy trì và tổ chức thường niên, liên tục, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Nhằm góp phần bảo tồn di sản, năm 2018, xã Mỹ Thủy thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi và ông Dương được bầu làm chủ nhiệm CLB. Các thành viên CLB thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Họ đến với bài chòi bằng niềm đam mê chung và mong muốn góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến cộng đồng. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy, ông Dương luôn quan tâm, tích cực vận động mọi người tham gia. Không chỉ là những người trong xã, đến nay CLB có thêm nhiều người ở các xã khác cùng tham gia. Hiện, CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy có 14 thành viên, trong đó có 9 thành viên là hội viên Chi hội Di sản văn hóa huyện Lệ Thủy.
|
Trước đây, bài chòi ở xã Mỹ Thủy được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết Nguyên đán nhưng hiện nay được tổ chức vào nhiều dịp, như: Tết Nguyên đán, Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc, Ngày Quốc khánh 2/9...
Ông Dương chia sẻ thêm: “Cứ mỗi dịp Tết đến, các thành viên trong CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy lại tổ chức hội chơi bài chòi cho bà con vui xuân. Riêng dịp Tết Ất Tỵ 2025, hội bài chòi ở xã Mỹ Thủy được diễn ra từ ngày mồng 1 đến mồng 5. Năm nào cũng vậy, hội bài chòi kéo dài từ sáng sớm đến tối muộn. Từ già trẻ, gái trai đều háo hức chơi bài chòi. Người dân tham gia hội bài chòi không chỉ để vui chơi, giải trí mà còn là dịp để cầu may, cầu lộc đầu năm”.
Mong muốn bảo tồn nghệ thuật bài chòi, ông Dương đã tự sưu tầm các làn điệu bài chòi và khuyến khích các thành viên trong CLB tập luyện. Ngoài việc tham gia biểu diễn, truyền dạy kỹ năng tổ chức hội chơi bài chòi và hô, hát bài chòi tại các lớp do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức, ông còn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc truyền dạy bài chòi, nhất là với thế hệ trẻ. Ông tận tình hướng dẫn các thành viên trẻ tuổi trong CLB từ những bước cơ bản như cách đánh trống, hô, hát các làn điệu bài chòi đến việc diễn xuất trên sân khấu. Bởi, hơn ai hết ông hiểu rằng để nghệ thuật bài chòi không bị mai một và luôn sống mãi với thời gian thì một trong những yếu tố quan trọng là cần phải có những người kế cận và gìn giữ.
Để có thêm nhiều kinh nghiệm trong hô, hát bài chòi, ông và các thành viên trong CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy đã tham gia giao lưu với các CLB Bài chòi ở huyện Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới. Trong thời gian tới, ông Dương cũng mong muốn được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng để hỗ trợ cho hoạt động của CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy nói riêng cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi nói chung. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị của nghệ thuật bài chòi đến đông đảo người dân, để từ đó khơi dậy niềm đam mê và ý thức bảo tồn di sản văn hóa.
Với những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn di sản, năm 2018, ông Dương đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam và năm 2023 CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy cũng đã được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tặng giấy khen vì đã có thành tích trong việc trao truyền, thực hành di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa huyện Lệ Thủy Lê Đình Tới cho biết: “Hiện, trên địa bàn huyện chỉ có 1 CLB bài chòi đó là CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy. Những năm qua, CLB này hoạt động khá hiệu quả, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Hoạt động của CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy gắn liền với sự đóng góp của ông Lê Văn Dương-Chủ nhiệm CLB. Bởi, ông đã rất nhiệt tình, tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống này và đã có nhiều đóng góp để nghệ thuật bài chòi được lan tỏa trong cộng đồng”.
Những nỗ lực của ông Dương và CLB Bài chòi xã Mỹ Thủy đang góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và và phát triển nghệ thuật bài chòi. Họ chính là những người “giữ lửa” thầm lặng cống hiến, để ngọn lửa đam mê với di sản văn hóa cháy mãi với thời gian.
Cát Tường
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/nguoi-giu-lua-nghe-thuat-bai-choi-2224449/
Bình luận (0)