Giới trẻ thường “cắm mặt” vào thiết bị cá nhân là điều không phải bàn cãi, nhưng không phải ai cũng biết ngay cả nhóm người dùng ở độ tuổi từ 60 tới 80, thậm chí cao hơn, đang gia tăng thời gian sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng…
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew (dữ liệu được Cục Thống kê lao động Mỹ sử dụng), thời gian sử dụng thiết bị di động cá nhân của người Mỹ có độ tuổi từ 60 trở lên đã tăng gần 30 phút mỗi ngày so với thập kỷ trước. “Thời gian nhìn vào màn hình của nhóm độ tuổi 60, 70, 80 trở về sau đang tăng lên không phân biệt về giới tính hay trình độ học vấn. Trong khi đó, thời gian của nhóm người già dành cho hoạt động như đọc sách, giao tiếp xã hội đang giảm dần”, báo cáo của Pew kết luận.
Abbie Richie, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty công nghệ hỗ trợ Senior Savvy cho rằng nhiều người lớn tuổi dường như không nhận ra họ đã nhìn vào màn hình trong bao lâu, không ý thức được đang “gắn bó” với công nghệ đến mức độ nào. “Cơ thể họ cũng tiết ra dopamine và có cùng tâm lý FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) như người trẻ”, Abbie nói.
Dopamine là một loại hoóc môn, vừa là chất truyền dẫn thần kinh tác động lên các vùng não mang lại cảm giác vui vẻ, hài lòng, có động lực và một số tác dụng khác trong việc kiểm soát hành vi, trí nhớ, tâm trạng, sự tập trung…
Richie đồng thời bày tỏ lo lắng chuyện ít vận động vì xem màn hình thường xuyên sẽ làm suy yếu sức khỏe và thể trạng của người có tuổi. Cô cho rằng béo phì, mỏi mắt và sự cô lập về thể chất lẫn tính xã hội là “tác dụng phụ” của việc sử dụng thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng quá nhiều.
Một số người có thể lập luận với những người già đang phải sống một mình, hành vi sử dụng điện thoại, máy tính bảng có thể giúp họ bớt cảm giác cô đơn khi được tương tác với người khác qua internet, nhưng đó chỉ là một phần của cảm xúc. Sự tương tác này có thể phản tác dụng trong nhiều trường hợp, ví dụ người bà không thể đến dự sinh nhật cháu hay tham gia kỳ nghỉ của gia đình, phải theo dõi video được gửi về hay đăng tải lên mạng, trong đó mọi người đều vui vẻ và “ước bà có ở đây”. Khi đó, cảm xúc cô đơn còn lớn mạnh hơn nhiều và trở thành niềm hối tiếc.