Giá tăng, doanh thu lại giảm
Sau nhiều ngày tăng liên tiếp, giá gạo bán lẻ tại cửa hàng của ông Phạm Văn Tấn (chủ cửa hàng gạo tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã ổn định trở lại. Người tiêu dùng đã bắt đầu chấp nhận mức giá hiện tại.
“So với đầu tháng 8, giá các loại gạo hiện đã ổn định, không còn tăng liên tục, thậm chí, một số loại gạo giảm nhẹ từ 200 – 500 đồng/kg do giá lúa giảm. Sức mua đã trở lại mức bình thường khi gạo chưa tăng giá”, ông Tấn cho biết.
Trong khi gạo vừa ổn định thì 3 tháng nay, giá gas liên tục nhảy múa, khiến sức mua của người tiêu dùng đi xuống.
Ông Nguyễn Thành Vinh (chủ cửa hàng gas ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết, giá gas bán lẻ tại cửa hàng đang điều chỉnh tăng theo thị trường. Cụ thể, từ ngày 1.10, giá gas tại cửa hàng tăng 20.000 đồng/bình (12kg) và 75.000 đồng/bình (45kg) so với tháng 9. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của người tiêu dùng.
“Trong 3 đợt điều chỉnh gần đây nhất, giá gas đều tăng làm nhiều khách hàng giảm mua. Lượng gas bán ra mỗi ngày giảm 30-50 bình. Cho nên, cứ mỗi tháng, khi giá gas tăng, doanh thu lại giảm 10-15%”, ông Vinh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong (chủ cửa hàng gas ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng đối mặt với sức mua ngày một giảm do giá gas tăng liên tiếp.
“Tại cửa hàng, loại bình gas 12kg thường bán chạy nhất hiện có giá dao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/bình. Giá gas tăng không chỉ gây khó cho người tiêu dùng mà tiểu thương như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Bởi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng tiết kiệm, trong khi những chủ hàng quán kinh doanh do ế ẩm cũng ít nhập gas hơn”, ông Phong chia sẻ.
Khó vẫn hoàn khó
Gạo và xăng cùng giảm làm tiểu thương, người tiêu dùng khấp khởi chờ các mặt hàng thiết yếu sẽ sớm giảm theo.
Kinh doanh quán ăn tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ), bà Nguyễn Hồng Khanh mong muốn giá thực phẩm có thể giảm theo xăng và gạo để việc buôn bán đỡ bấp bênh hơn.
“Từ khi giá gạo, xăng tăng, nguyên liệu tôi nhập về nấu nướng cũng tăng theo. Giờ xăng và gạo đều đang giảm, mong rằng các mặt hàng khác cũng nhanh giảm theo. Bởi nếu cứ leo thang mãi tôi sẽ không thể gồng gánh nổi. Chưa kể, giờ buôn bán cũng bấp bênh, người dân chi tiêu tiết kiệm cộng thêm mùa nước ngập đã đến”, bà Khanh cho biết.
Bà Phạm Thúy Kiều (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng khấp khởi khi giá gạo và xăng giảm: “Gạo và xăng giảm thì sớm muộn các mặt hàng khác cũng giảm theo. Như thế, gia đình tôi sẽ đỡ được phần nào gánh nặng kinh tế. Từ khi gạo và xăng tăng, các mặt hàng ở chợ từ rau, củ, thịt, cá… cũng đua nhau leo thang khiến chi phí sinh hoạt của gia đình đội lên rất nhiều”.
Tuy nhiên, khi tiểu thương lẫn người tiêu dùng chưa kịp đợi giá các nhu yếu phẩm giảm theo gạo và xăng thì giá gas lại nhảy múa.
Theo bà Khanh, do bán quán cơm nên bà phải nấu nướng rất nhiều, nếu giá nguyên liệu giảm mà gas lại tăng thì khó vẫn hoàn khó. Nếu tiếp tục gồng gánh sớm muộn cũng vượt ngưỡng chịu đựng của bà.
Cũng “đau ví” vì giá gas tăng, bà Kiều cho biết, mấy tháng nay, nhà bà đã cố sử dụng tiết kiệm. “Lúc trước, để tiết kiệm tôi chỉ dám mua bình gas 6kg và chuyển sang dùng thêm bếp củi. Nhưng đó chỉ là tạm thời, vì sắp vào mùa lúa, tôi phải phụ chồng làm vụ mới, thêm con cái đi học, không có nhiều thời gian nên sẽ ưu tiên dùng bếp gas vì tiện lợi. Như vậy, chi tiêu của gia đình lại tăng lên trong khi còn nhiều thứ phải lo”, bà Kiều chia sẻ.