Một ngày trước khi Nghị định 147 về yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội có hiệu lực, Mai Thanh Phú, chuyên gia cung cấp các dịch vụ trên internet liên tục nhận được tin nhắn thắc mắc của khách hàng.
“Mọi người thấy báo chí đưa tin về việc phải xác thực tài khoản mạng xã hội mới có thể chia sẻ, đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream). Nhưng không nền tảng nào thông báo hay hướng dẫn người dùng các bước xác thực cụ thể ra sao, thông tin xác thực gồm những gì. Điều này khiến người dùng, đặc biệt các KOL (Key Opinion Leader – người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), những người livestream bán hàng trên Facebook, TikTok rất hoang mang, lo lắng tài khoản có thể bị khóa từ ngày mai”, ông Phú chia sẻ.
Người dùng bất an
Theo Điểm e, khoản 3, điều 23 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP: “Chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân”. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25.12.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Thanh Niên, đến nay các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Zalo, TikTok… vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào đến người dùng về việc này.
Hồng Anh, chủ một cửa hàng thời trang tại TP.HCM, chuyên livestream bán quần áo trên Facebook, cho biết: “Cùng một lúc tôi livestream trên nhiều kênh, có fanpage là mua lại, không phải chính chủ. Giờ không biết phải xác thực tài khoản như thế nào. Nếu không xác thực, tôi sợ ngày mai sẽ không thể livestream bán hàng. Bạn bè xung quanh rất nhiều người đang lo lắng như tôi”, Hồng Anh nói.
Trong khi đó, Thanh Tuấn, chuyên viên quản lý hàng chục kênh livestream của cửa hàng bán đặc sản trên đa nền tảng, nói sẵn sàng cung cấp các thông tin về định danh tài khoản mạng xã hội theo quy định. Tuy nhiên mọi người đang không biết những thông tin cụ thể cần cung cấp cho từng loại tài khoản là gì, dữ liệu sẽ được lưu trữ ra sao, liệu có an toàn khi cung cấp các thông tin này cho các nền tảng.
Anh Tuấn ước tính nếu không chuẩn bị sẵn, tài khoản bị cấm livestream theo quy định, mỗi ngày công ty của anh có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì đang vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.
Mạng xã hội vẫn ‘án binh bất động’
Theo Nghị định 147, trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 25.12.2024, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới tại Việt Nam cũng như đơn vị đang cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện yêu cầu xác thực tài khoản đang hoạt động theo quy định.
Tuy nhiên đến nay, hầu hết mạng xã hội lớn đều chưa có bất kỳ động thái nào liên quan. Chưa nền tảng nào gửi thông báo hoặc hướng dẫn cụ thể, khiến nhiều người thắc mắc liệu Nghị định mới có thật sự tác động đến hoạt động của nền tảng và quyền lợi của người dùng?
Ông Mai Thanh Phú cho biết: “Facebook chưa có thông báo chính thức nào về việc yêu cầu xác thực tài khoản mới được đăng bài. Quy định này nằm trong phạm vi pháp lý của Việt Nam, các mạng xã hội như Facebook có thể cần thời gian để triển khai các yêu cầu cụ thể từ phía cơ quan chức năng”.
Trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, TikTok… đều có sẵn một phần về xác thực tài khoản. Tuy nhiên đây chỉ là phần mở rộng, không yêu cầu bắt buộc.
Facebook yêu cầu người dùng xác thực danh tính qua email, sau đó là chụp giấy tờ tùy thân gửi lên. Tuy nhiên việc này đang khả dụng cho những người có nhu cầu chạy quảng cáo về vấn đề xã hội, bầu cử hoặc chính trị.
Trong khi đó, Zalo có phần “Định danh tài khoản” để tăng cường bảo mật, sử dụng thêm các tính năng đặc biệt và nâng cấp số lượng thành viên trong nhóm. Tương tự Facebook, phần này cũng là tùy chọn thêm, không bắt buộc người dùng và có sẵn trước khi Nghị định 147 được ban hành.
Người dùng mạng xã hội cần lưu ý gì từ ngày 25.12?
Theo các chuyên gia, Nghị định mới có thể phù hợp với những mạng xã hội trong nước, nhưng với các nền tảng xuyên biên giới sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài việc bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu: Lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung, thông tin của nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội là người có quốc tịch Việt Nam, có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng, liên hệ được.
Nhà cung cấp dịch vụ phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ vào thời điểm bất kỳ.
Về điều kiện kỹ thuật, các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP người dùng dịch vụ và nhật ký xử lý thông tin đăng tải phải lưu trữ tối thiểu trong hai năm. Khi hết thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật phải xóa thông tin của người dùng dịch vụ tại Việt Nam.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-dung-hoang-mang-truoc-ngay-phai-xac-thuc-tai-khoan-mang-xa-hoi-185241224152619524.htm