Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở y tế.
Tin mới y tế ngày 21/12: Người đứng đầu bệnh viện chịu trách nhiệm nếu thiếu thuốc
Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở y tế.
Thuốc chữa bệnh vẫn thiếu
Trong buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức chiều 20/12, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), đã phản hồi về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại một số bệnh viện.
Ông Sơn thừa nhận tình trạng này đã xảy ra trong thời gian qua và cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan, việc áp dụng các quy định pháp luật đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế cũng góp phần gây khó khăn cho các bệnh viện.
Tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra tại nhiều cơ sở y tế. Ảnh minh hoạ |
Để giải quyết vấn đề, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Luật Đấu thầu và các nghị định liên quan. Đồng thời, Bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
“Hiện nay, khó khăn cơ bản đã được giải quyết, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu hụt thuốc cục bộ ở một số bệnh viện. Các cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng những quy định mới về đấu thầu”, ông Tường Sơn cho biết.
Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở y tế. Tuy nhiên, ông cũng cho biết một số bệnh viện gặp phải tình huống không có nhà thầu tham gia đấu thầu, hoặc không có một số loại thuốc hiếm trên thị trường.
Để khắc phục, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phổ biến các quy định đấu thầu, tổ chức tập huấn và xây dựng một cuốn sổ tay hướng dẫn thực hành công tác đấu thầu, dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2025.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tình trạng thiếu thuốc là một vấn đề phức tạp không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Trong hai năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành để sửa đổi các nghị định và thông tư, qua đó tháo gỡ nhiều khó khăn liên quan đến công tác đấu thầu.
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế cơ bản. Chẳng hạn, Bệnh viện Đức Giang đã giải quyết được 95% vấn đề cung ứng thuốc cho bệnh nhân.
“Phần còn lại do vấn đề quay vòng gói thầu chưa đến thời hạn hoặc nguồn cung chưa có, nhưng bệnh viện vẫn có biện pháp thay thế để đảm bảo thuốc cho bệnh nhân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Về tình trạng người bệnh phải chi tiền túi mua thuốc ngoài, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã cử các đoàn công tác đến các bệnh viện để nắm bắt tình hình. Bộ Y tế đã làm việc với Bệnh viện Việt Đức để giải quyết khó khăn và yêu cầu giám đốc bệnh viện không để người bệnh phải mua thuốc bên ngoài.
Trong Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi mới đây, quy định cho phép điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa các đơn vị bệnh viện và được bảo hiểm y tế thanh toán. Đây là cơ chế mới nhằm đảm bảo các bệnh viện có thể cung cấp đủ thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân một cách kịp thời.
Trả lời câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định chưa có đơn vị nào báo cáo về thiếu thuốc nghiêm trọng tính đến tháng 12 năm nay.
Bộ Y tế sẽ yêu cầu giám đốc các bệnh viện báo cáo sớm để nắm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp kịp thời. “Mục tiêu của chúng tôi là giải quyết tận gốc tình trạng thiếu thuốc, giúp người dân không phải chịu thêm khó khăn trong quá trình điều trị,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách trong công tác tài chính y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các thông tư về giá dịch vụ khám chữa bệnh, thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế sẽ tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Biến chứng khó lường khi nâng mũi bằng chỉ
Mới đây, Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (25 tuổi, Hà Nội), người gặp phải biến chứng nghiêm trọng sau khi thực hiện nâng mũi bằng chỉ tại một cơ sở làm đẹp không đảm bảo.
Sau 3 tháng căng chỉ nâng mũi tại một spa gần nhà, bệnh nhân này đã phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hoại tử ở mũi, sợi chỉ lộ ra ngoài, gây đau đớn và làm biến dạng cấu trúc mũi.
Theo bác sỹ Ngô Gia Tiến, chuyên gia tại Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân N.T.H đã trải qua một tình trạng nhiễm trùng mũi nặng sau khi căng chỉ.
Sau khi nhập viện, bác sỹ phải tiến hành xử lý ổ áp xe, tháo khoảng 15 sợi chỉ bị nhiễm khuẩn ra khỏi mũi. Tuy nhiên, do sợi chỉ đã tiếp xúc với môi trường nhiễm khuẩn quá lâu (khoảng 3 tháng), chúng đã vỡ ra, gây mủ và làm tổn thương nghiêm trọng đến mô mũi. Việc điều trị không thể tránh khỏi các vết sẹo, và khuôn mặt của bệnh nhân có nguy cơ bị biến dạng nếu không can thiệp kịp thời.
Biến chứng do nâng mũi bằng chỉ không chỉ gây nhiễm khuẩn mà còn làm cho việc loại bỏ các sợi chỉ trở nên cực kỳ khó khăn. Khi các sợi chỉ đã bị nhiễm khuẩn, việc gỡ bỏ hoàn toàn chúng gần như không thể, vì chúng có thể dần tan ra trong môi trường nhiễm khuẩn, khiến mô mũi bị tổn thương nghiêm trọng.
“Quá trình điều trị viêm nhiễm trong trường hợp này không thể tránh khỏi việc để lại sẹo, và nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến biến dạng khuôn mặt,” bác sỹ Tiến cho biết.
Bệnh nhân N.T.H, khi liên hệ với cơ sở spa nơi thực hiện nâng mũi, đã không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Đau đớn và hoảng loạn vì tình trạng kéo dài, cô gái trẻ này phải tìm đến các cơ sở y tế uy tín để giải quyết vấn đề.
Đây là một cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ tiềm ẩn của phương pháp nâng mũi bằng chỉ, đặc biệt khi thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng.
Việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ kém uy tín, không có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động hợp lệ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như vẹo mũi, hoại tử, thủng mũi, hoặc nhiễm trùng.
“Chúng tôi đã cảnh báo về các rủi ro của phương pháp nâng mũi bằng chỉ từ lâu, và đây là một ví dụ điển hình về những gì có thể xảy ra khi thực hiện không đúng cách. Căng chỉ mũi tuy ít xâm lấn và nhanh chóng, nhưng nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, hoặc thực hiện tại các cơ sở thiếu chuyên môn, rất dễ xảy ra biến chứng nghiêm trọng,” bác sỹ Tiến cho biết.
Trong bối cảnh nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao, đặc biệt vào dịp Tết, bác sỹ Tiến khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở thẩm mỹ.
Trước khi quyết định thực hiện bất kỳ phẫu thuật thẩm mỹ nào, đặc biệt là nâng mũi, người dân cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thực hiện, yêu cầu kiểm tra chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và độ uy tín của bác sỹ.
Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi nâng mũi, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm để được khám và xử lý kịp thời.
Căng chỉ mũi là phương pháp sử dụng các sợi chỉ y khoa (tự tiêu hoặc không tiêu) để nâng cao sống mũi và tạo hình dáng mũi thẳng, cao hơn.
Phương pháp này được nhiều người ưa chuộng vì tính tiện lợi, ít xâm lấn và không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là phương pháp chưa được FDA công nhận và có nhiều rủi ro tiềm ẩn, bao gồm nghiêng, vẹo sống mũi, bao xơ dày lộ sóng, hoặc thậm chí thủng mũi.
Với những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, người dân cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện phương pháp này và luôn lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín, có đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao để tránh những rủi ro không đáng có.
Nâng mũi bằng chỉ, dù là một phương pháp thẩm mỹ phổ biến, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhiều người không lường trước được. Để đảm bảo an toàn và có kết quả như ý, người dân cần đặc biệt chú trọng lựa chọn cơ sở thực hiện uy tín, cũng như tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn của bác sỹ trong suốt quá trình điều trị. Việc lựa chọn đúng cơ sở sẽ giúp tránh được các biến chứng và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Bệnh viện Bạch Mai dốc sức cứu chữa các nạn nhân vụ phóng hoả
Đó là chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ chiều ngày 20/12 về cam kết của toàn thể y bác sĩ bệnh viện trước nhiệm vụ cứu chữa nạn nhân trong vụ phóng hỏa quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) tối ngày 18/12
Ngày 19/12, sau khi cùng lãnh đạo Bộ Y tế tham gia đánh giá, hội chẩn các trường hợp nạn nhân trong vụ phóng hoả tại Bệnh viện E, ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đề nghị được tiếp nhận lại 4 nạn nhân để điều trị do từng có kinh nghiệm xử trí, cứu chữa trong vụ cháy chung cư mini Thanh Xuân hồi tháng 9.2023.
Và khi lãnh đạo Bộ Y tế nhất trí, ngay trong chiều ngày 19.12, các nạn nhân đã ngay lập tức được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả bốn bệnh nhân đều trong tình trạng nặng, suy hô hấp, được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực và Trung tâm Chống độc.
PGS-TS.Đào Xuân Cơ cho biết, các nạn nhân khi viện tiếp nhận được đánh giá ở tình trạng tổn thương ngộ độc hỗn hợp các khí độc, bít tắc đường thở do muội than từ đám cháy, bỏng nặng niêm mạc toàn bộ đường hô hấp, tổn thương phổi lan tỏa hai bên, tổn thương cơ tim, tiêu cơ vân, thậm chí có biểu hiện rối loạn ý thức. Các nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.
Ngay khi tiếp nhận, các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong nhiều lĩnh vực cấp cứu, chống độc, hồi sức, hô hấp, nhiễm khuẩn tại các viện, trung tâm, khoa, phòng Bệnh viện Bạch Mai đã được huy động hội chẩn và đưa ra phương án điều trị kịp thời, tích cực cho các nạn nhân.
Hình ảnh chụp cắt lớp phổi và X-quang phổi cũng như kết quả nội soi của các nạn nhân cho thấy rất nhiều các muội đen bám dính cùng với những giả mạc viêm, bong tróc niêm mạc thanh quản, khí quản, phế quản, tổn thương hai bên phổi.
ước đầu, các nạn được tiến hành các biện pháp như hỗ trợ hô hấp, thở ô xy, chăm sóc hô hấp, đặt nội khí quản, thở máy, thủ thuật đảm bảo thông khí, nội soi phế quản bơm rửa phế quản, phế nang, khí dung nhiều loại thuốc, dùng thuốc phòng tránh các biến chứng muộn về thần kinh, tâm thần và theo dõi sát sao từng diễn biến, tình trạng sức khoẻ.
Là đơn vị trực tiếp điều trị, Giám đốc Trung tâm Chống độc TS.Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, các nạn nhân trong vụ cháy đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai có những biểu hiện tổn thương đường hô hấp từ trên xuống dưới, hầu họng, thanh quản, phổi, ngộ độc do hít phải bụi than, khí độc các loại, nhiệt nóng sinh ra từ đám cháy.
Bên cạnh đó, còn nhiều tổn thương các cơ quan khác như tiêu cơ vân, cơ tim do các khí độc như khí CO và khả năng nhiều cả các khí độc khác. Các nạn nhân cần được theo dõi sát sao và điều trị với nhiều biện pháp kết hợp, trên tinh thần ưu tiên, tập trung cứu chữa, phục hồi chức năng.
Các liệu pháp thở oxy, giải pháp loại bỏ đờm than khỏi cơ thể, bơm hút rửa thông thoáng đường thở, giảm các tổn thương cấp tính và dự phòng, tránh tối đa di chứng các cơ quan, đặc biệt đối với não.
Hiện tình trạng các nạn nhân đã khả quan, ổn định hơn tuy nhiên cũng chưa thể nói trước được các biến chứng tiếp theo của phổi, di chứng về nhận thức, tinh thần sau này. Việc điều trị của các nạn nhân cháy thường kéo dài từ vài tuần đến hàng tháng.
“Nhìn thấy các bệnh nhân trong các vụ cháy với các tình trạng như thế này, vô cùng khủng khiếp với các nạn nhân, từ lúc chứng kiến những gì xảy ra khi bị cháy đến những gì phải chịu đựng, thì chắc chắn chúng ta phải thấy tầm quan trọng vô cùng của công tác phòng cháy chứ không phải là đi chữa cháy như thế này”, bác sỹ Nguyên chia sẻ.
Theo đánh giá, tình trạng các nạn nhân được đánh giá tương tự như vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân hồi tháng 9/2023. Với kinh nghiệm xử trí trước đó, Ban giám đốc Bệnh viện cũng như các y bác sĩ luôn sẵn sàng tiếp nhận, tập trung nguồn lực, trang thiết bị để điều trị, cứu chữa cho các bệnh nhân.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-2112-nguoi-dung-dau-benh-vien-chiu-trach-nhiem-neu-thieu-thuoc-d233398.html