Sáng 9/10, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich tổ chức buổi gặp mặt báo chí thông tin về Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam gắn với Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phát biểu tại buổi họp báo thông tin về Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam gắn với Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024. Ảnh: Khương Lực
“Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm nay là lần thứ 5 được tổ chức và đây là cuộc thi thường niên do Bộ NNPTNT tổ chức trong khuôn khổ Chương trình phát triển và bảo tồn làng nghề Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) thông tin và cho biết đến nay Bộ NNPTNT là đơn vị duy nhất tổ chức hoạt động hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ quy mô quốc gia với một Hội đồng giám khảo uy tín, tài năng.
Tác giả đạt giải sẽ là một trong những điều kiện để đề xuất công nhận nghệ nhân các cấp
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thông tin, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2024 nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, vừa có tính kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2024 sẽ tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, hội thi sẽ kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các làng nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, các tác giả đạt giải tại hội thi sẽ có một trong những điều kiện để đề xuất để công nhận nghệ nhân các cấp.
Theo Ban tổ chức, tất cả các tổ chức, cá nhân không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng sáng tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế (trừ các thành viên trong ban tổ chức và hội đồng giám khảo) sẽ được tham dự cuộc thi. Sản phẩm dự thi thuộc 5 nhóm: nhóm gốm sứ và thủy tinh; nhóm dệt, thêu đan, móc; nhóm mây, tre, lá tự nhiên; nhóm đá, gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai; nhóm khác (sừng, kim khí, hoa, tranh…). Ảnh: Khương Lực
Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi bắt đầu từ ngày 28/102024 – 1/11/2024 (tiếp nhận sản phẩm trong giờ hành chính) tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, địa chỉ số 2 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Sau khi có kết quả, Cơ quan thường trực Hội thi công bố công khai danh sách các sản phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đạt giải trên Website: http://www.sanphamthucongmynghe.gov.vn; http://www.dcrd.gov.vn.
Về cơ cấu giải thưởng, Hội thi sẽ có 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 15 giải khuyến khích. Tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi xem xét điều chỉnh, bổ sung cơ cấu và giá trị giải thưởng cho phù hợp.
Tất cả các sản phẩm đạt giải được tặng kèm theo Kỷ niệm chương, Bằng chứng nhận sản phẩm đạt giải của Ban Tổ chức Hội thi. Ban Tổ chức cũng sẽ xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tham gia tổ chức Hội thi.
Nghề thủ công, ngành nghề nông thôn là “bệ đỡ” cho sự phát triển nông thôn
Điểm mới năm nay là các sản phẩm đạt giải và các tác phẩm tiêu biểu của hội thi sẽ được trưng bày tại Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ NNPTNT, các đơn vị liên quan tổ chức tại tỉnh Nghệ An (từ 22-26/11/2024).
“Tham gia vào Triển lãm này, chúng tôi mong muốn một là nâng tầm nghề, các tác phẩm, sản phẩm nghề như một minh chứng về mặt di sản phi vật thể và vật thể đối với nghề và các sản phẩm nghề của Việt Nam; Thứ hai, nó được tổ chức rất có ý nghĩa tại quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ rất quan tâm đến phát triển ngành nghề thủ công như Bác nói nghề thủ công, ngành nghề nông thôn là những bệ đỡ cho sự phát triển nông thôn” – ông Thịnh chia sẻ.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có có số lượng lớn làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Các vùng nông thôn trên cả nước có 5.400 làng có nghề, trong đó có khoảng 2.212 làng được công nhận là làng nghề và gần 400 làng nghề truyền thống.
Với trên 2.000 làng nghề, nghề truyền thống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngành nghề nông thôn đang tạo ra giá trị gần 300.000 tỷ đồng mỗi năm và xuất khẩu đi 164 nước, vùng lãnh thổ với giá trị khoảng 3 tỷ USD/năm.
Theo ông Thịnh, các ngành nghề không chỉ mang lại vật chất kinh tế, phúc lợi, việc làm, quan trọng nhất nó còn là những trầm tích về văn hóa từ Bắc vào Nam, qua các vùng miền như: đúc đồng, mây tre đan, kim hoàn, thêu, sơn mài…
Nguồn: https://danviet.vn/nguoi-doat-giai-hoi-thi-san-pham-thu-cong-my-nghe-viet-nam-nam-2024-se-co-co-hoi-duoc-cong-nhan-la-nghe-nhan-20241009191154657.htm