Ở tuổi 30, Dương Thúy Vi gây bất ngờ khi mang về tấm huy chương đồng quý giá cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc hồi tháng 9/2023.
Tấm huy chương này giúp nữ võ sĩ xinh đẹp sinh năm 1993 giành huy chương ở cả 3 kỳ Asiad liên tiếp, với tấm HCV ở Asiad 17 (năm 2014), HCĐ ở Asiad 18 (năm 2018) và HCĐ ở Asiad 19 (năm 2023).
7 lần giành HCV SEA Games, một HCV Asiad 17 và một HCV World Games 2022, Thúy Vi là vận động viên (VĐV) Wushu thành công nhất khi đưa Wushu Việt Nam vươn tầm châu lục. Tấm HCĐ ở Asiad 19 (kỳ Asiad thứ tư và có thể là kỳ cuối cùng trong sự nghiệp của Thúy Vi) là phần thưởng cho nỗ lực bền bỉ của nữ võ sĩ Hà Nội.
Giành HCV Asiad nhờ hơn đối thủ 0,01 điểm
Chào Dương Thúy Vi, hình như bạn vừa bảo vệ thành công đề tài luận văn cao học?
– Vâng, cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành được mục tiêu cuối cùng trong năm 2023. Kế hoạch ban đầu là tôi sẽ bảo vệ luận văn cao học trong tháng 11, nhưng bị chậm mất một tháng. Rất may mọi chuyện đã thành công tốt đẹp cho đến giờ phút này.
10 năm trước, Dương Thúy Vi từng gây bất ngờ khi giành được tấm HCV ở Asiad đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam ở môn Wushu kể từ năm 1990. Bạn có thể kể lại kỷ niệm này?
Cho tới lúc này, tấm HCV giành được Asiad 17 (năm 2014) vẫn là tấm huy chương ấn tượng và để đời nhất đối với tôi. Đó thật sự là một kỷ niệm đẹp khi tôi tròn 20 tuổi.
Trước giải đấu chỉ 10 ngày, tôi bất ngờ gặp phải chấn thương mặc dù nó không quá nặng. Tôi phải gấp rút hồi phục trong một khoảng thời gian ngắn. Trước giải đấu lớn như vậy, mỗi giờ trôi qua quý hơn vàng để tôi trở lại thể trạng tốt nhất.
Lúc đấy tôi may mắn khi ban huấn luyện, các chuyên gia thể lực chưa bao giờ tạo áp lực cho tôi. Mọi người cũng căng thẳng, nhưng không ai nói ra để tôi có được tâm lý thoải mái nhất trước khi bước vào tranh tài ở giải đấu. Ban huấn luyện cũng không đặt chỉ tiêu phải giành huy chương đối với tôi, giúp tôi tự nhủ mình cứ nỗ lực thi đấu hết mình là được.
Kỳ Asiad đó tôi tham dự nội dung kiếm thuật nữ và thương thuật nữ. Tôi phải thi 2 bài để tranh một tấm huy chương. Vào hôm thi đấu, tôi phải dậy từ 5h30 sáng để trang điểm, ăn sáng rồi lên xe di chuyển đến địa điểm thi đấu vì khoảng cách từ khách sạn đến nhà thi đấu rất xa. Đã thế buổi trưa tôi phải ở lại chứ không được về khách sạn nghỉ ngơi.
Nhưng tôi nghĩ khó người khó ta, ai cũng như thế chứ không riêng gì đội mình. Cơm thì ăn cơm hộp, trưa nghỉ ngơi tại chỗ. Buổi sáng, tôi thi kiếm thuật đứng vị trí thứ nhất, nên tôi nghĩ các đối thủ cảm thấy áp lực hơn là mình.
Nhưng dường như ai cũng tỏ ra bình thường, bản thân tôi cũng thế, mặc dù lúc đó luôn nghĩ là mình phải cố gắng hết mức có thể ở nội dung buổi chiều. Nhiều người trong đội cũng muốn hỏi thăm tôi, nhưng lại sợ tôi lo lắng nên lại thôi.
Tôi cố gắng chợp mắt buổi trưa, nhưng không ngủ được, đành nằm nghe nhạc nghỉ ngơi. Chiều hôm đó tôi chỉ đứng thứ hai ở nội dung thương thuật, xếp sau VĐV Macao (Trung Quốc).
Nhưng do phần thi buổi sáng tôi hơn VĐV Macao 0,02 điểm, nên nội dung buổi chiều dù thua 0,01 điểm nhưng tôi vẫn giành HCV vì hơn VĐV Macao đúng 0,01 điểm (19,41 so với 19,40).
Cảm xúc của Thúy Vi sau khi giành được HCV lúc đó như thế nào?
– Mọi thứ cứ như trong mơ vậy. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để chia sẻ hết cảm xúc của mình lúc đó. Chỉ nghĩ trong đầu là bao nhiêu công sức tập luyện, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, thậm chí phải đánh đổi bằng máu, bằng chấn thương liên miên, thì cũng đã gặt hái được thành quả.
Mình đã không phụ lòng ban huấn luyện, thầy cô, đáp lại được kỳ vọng từ gia đình thân yêu cũng như người hâm mộ.
Kỷ niệm nhớ đời: Bị quăng vào bể cá ở khách sạn ngay sau khi kết thúc bài thi
Sau tấm HCV ở Asiad 17, Thúy Vi tiếp tục giành HCĐ ở Asiad 18. Và ở Asiad 19 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc vừa qua, bạn tiếp tục giành HCĐ. Bạn nói gì về tấm huy chương này?
– Dù chỉ là tấm HCĐ, nhưng với tôi nó cũng quý giá không khác gì tấm HCV. Bởi mình đã ở tuổi 30, không còn trẻ và sung sức như trước.
Giành được huy chương ở Asiad không hề dễ dàng một chút nào bởi 4 năm mới có một lần, và không phải ai cũng được vinh dự tham dự đấu trường này. Mỗi tấm huy chương đều phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự tập luyện bền bỉ, kiên trì.
Ngoài những tấm huy chương giành được ở SEA Games hay Asiad, Thúy Vi có thể chia sẻ những kỷ niệm hay sự cố nào hài hước, đáng nhớ không?
– Đó là ở giải trẻ vô địch Wushu thế giới năm 2008, tôi gặp chấn thương ngay khi vừa mở bài biểu diễn. Lúc đó tôi phải đánh như bò lết trên thảm, nhưng cũng cố gắng hoàn thành hết bài. Khi tôi bước ra khỏi thảm thì mọi người chạy vào cõng tôi.
Toàn thân tôi căng cứng, mọi người không kịp lấy đá để cho tôi ngâm nên quăng hẳn tôi vào bể cá to đùng giống như đài phun nước tại sảnh nhà thi đấu. Tôi nhớ địa điểm năm đó là ở Bali (Indonesia), trong một khu resort nên mới có bể cá to ngoài sảnh như thế.
Là con gái, lại theo đuổi võ thuật, Thúy Vi có gặp trở ngại gì trong quá trình theo đuổi ước mơ? Ai là người mà Thúy Vi muốn tri ân nhất để có được thành tích như ngày hôm nay?
– Khi tham gia thể thao chuyên nghiệp thì môn nào cũng khắc nghiệt hết. Nhưng riêng với môn Wushu, mặc dù không phải là môn đối kháng nhưng nó cũng là võ thuật thật sự nên yêu cầu chuyên môn rất là khắt khe. Ngoài yếu tố về chuyên môn thì còn phải luôn giữ dáng, bởi là môn biểu diễn nên đòi hỏi về mặt hình thức của VĐV rất nhiều.
Con gái thì hầu hết rất dễ béo nên không tuân thủ chế độ ăn và luyện tập. Chưa kể có những thứ cũng rất nhạy cảm liên quan đến dậy thì, khả năng hồi phục cơ bắp không bằng con trai, là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình luyện tập và thi đấu.
Về việc tri ân ai thì thật khó nói, bởi có quá nhiều người để tôi phải nhắc đến. Tôi chỉ biết cảm ơn họ trong thâm tâm mình, luôn nỗ lực thi đấu để không phụ lòng mọi người.
Để đạt được thành tích như hôm nay, Thúy Vi chắc đã phải hi sinh rất nhiều?
– Ai cũng vậy thôi chứ không riêng gì mình tôi. Càng ở trên đỉnh cao thì họ càng phải hi sinh cá nhân rất lớn. Tôi phải xa gia đình từ nhỏ để luyện tập, không có nhiều thời gian gần gũi giúp đỡ bố mẹ.
Tính cách tôi cũng ít nói, ít thể hiện tình cảm ra ngoài. Là con một trong nhà, lại là con gái, tôi ít nói chuyện và tâm sự với bố mẹ, đó là điều tôi vẫn áy náy và sẽ cố gắng thay đổi trong thời gian tới.
Wushu là môn thể thao có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo bạn thì có sự khác biệt lớn nào giữa Wushu Việt Nam và Wushu Trung Quốc?
– Vì là môn võ của họ nên đương nhiên sẽ có sự khác biệt khi nó du nhập sang Việt Nam. Để mà kể chi tiết thì chắc dài lắm, tôi cũng khó mà nói hết được.
Thúy Vi học hỏi đàn anh, đàn chị như thế nào để đạt được thành công? Theo bạn có VĐV trẻ nào nhiều triển vọng ở đội tuyển Wushu Việt Nam lúc này?
– Tôi được lên tuyển từ rất sớm nên học hỏi được rất nhiều điều từ các anh chị đi trước. Họ đã giúp tôi rất nhiều để tôi trưởng thành và đạt thành tích cao. Các VĐV trẻ hiện nay cũng rất tài năng, với các gương mặt sáng giá như Phương Nhi, Nguyễn Thị Hiền…
Ngoài lúc tập luyện, sở thích cá nhân của Thúy Vi là gì?
– Tôi cũng như nhiều bạn gái khác ở Thủ đô rất thích lượn cafe Phố cổ, đi ngắm cảnh phố phường, đi mua sắm…
30 tuổi, nhưng hình như Thúy Vi vẫn đang “độc thân vui tính”? Bạn có thể bật mí về người yêu của mình không?
– Cái gì bí mật thì phải đến phút cuối mới bật mí được (cười).
Cảm ơn Thúy Vi về cuộc trò chuyện này!