Xóm Hoài Khao hiện có 34 hộ đều là đồng bào dân tộc Dao Tiền. Vào tháng 7 Âm lịch hằng năm, người Dao Tiền xóm Hoài Khao tổ chức thu hoạch tổ ong khoái để nấu thành sáp ong nguyên chất. Sáp ong nguyên chất thu được sau khi nấu là nguyên liệu để in hoa văn trên trang phục của phụ nữ Dao Tiền.
Quý vị hãy cùng Vietnam.vn trải nghiệm quy trình làm sáp ong của đồng bào Dao Tiền nơi đây qua bộ ảnh “Người Dao tiền và cách chế biến sáp ong khoái”. Để có những hoa văn độc đáo trên trang phục truyền thống, người Dao Tiền tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã phải trải qua nhiều công đoạn vất vả: Từ khi vào rừng khai thác những tổ ong Khoái khổng lồ đến chế biến sáp ong và in hoa văn lên mặt vải… Bộ ảnh được tác giả tác giả gửi đến tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Khí hậu trong lành và những cánh rừng nguyên sinh ở Hoài Khao là điều kiện lý tưởng để loài ong khoái làm tổ. Xóm có 2 khu ong khoái về làm tổ là Chán Vềnh và Tà Lạc, mỗi khu có khoảng 30 tổ. Ong khoái làm tổ cheo leo trên những vách đá trong rừng ở độ cao khoảng 20m – 30m so với mặt đất.
Năm nào cũng vậy, mùa xuân ấm áp ong quay về xây tổ, làm mật, mùa thu se lạnh ong bay đi tìm nơi ấm áp trú đông. Khi ong đang xây tổ làm mật, đồng bào luôn phân công người bảo vệ đàn ong, để không ai làm hại đến đàn ong.Khi nào hết mật, ong bay đi, xóm họp chọn ngày và phân công tổ chức thu hoạch sáp ong.
Đúng thời điểm, những người phụ nữ đồng bào Dao Tiền lại rủ nhau lên núi thu lượn sáp ong.
Phân loại sáp ong tại nhà văn hóa xóm.
Những tổ ong khoái khá to, đường kính từ 1m – 1,5m. Sáp ong được vận chuyển tập kết tại nhà văn hóa xóm. Tại đây, sáp ong được phân loại, sàng lọc, loại vàng hơn để riêng, loại đen hơn để riêng. Trước khi chế biến, sáp ong được phân loại, trong quá trình phân loại sẽ bỏ đi đất, lá cây bám vào sáp ong. Sáp ong màu vàng là những tổ ong vừa bay đi, có chất lượng sáp tốt hơn, lượng sáp thu được nhiều hơn. Những tảng sáp màu đen là những tổ ong bay đi sớm hơn hoặc bị mưa nên lượng sáp thu được sẽ ít hơn.
Sau khi phân loại, sáp ong được đem vào chảo lớn để nấu. Trong quá trình nấu, những người phụ nữ phải đảo liên tục tránh bị cháy và để sáp tan đều. Nấu đến khi sôi thì mang sáp vào sọt ép, tinh chất sáp ong và nước lọt xuống dưới.
Phần sáp chưa tan hết còn sót lại trên sọt được gom lại mang ra một chỗ riêng để nấu tiếp. Với loại sáp màu vàng thường đun, ép lọc khoảng 3 lần là hết tinh chất; loại màu đen đun ép lọc khoảng 2 lần là hết tinh chất.
Bà con vui vẻ với những miếng sáp ong trên tay.
Qua nhiều lần ép, lọc, khi hết tinh chất sáp, vỏ sáp ong và tạp chất được bỏ đi. Tinh chất sáp ong thu được từ những lần ép, lọc này còn khá nhiều tạp chất, sáp được nắm thành từng hòn bằng nắm tay. Tiếp đó, sáp này được đổ vào chảo cô lại để cho ra sản phẩm sáp ong vàng tinh khiết. Sáp ong nguyên chất thu được chia đều cho tất cả các hộ gia đình trong xóm, mỗi gia đình được khoảng 1,5 đến 2kg để trang trí in hoa văn dùng cho cả năm.
Thu hoạch sáp ong khoái mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Quá trình thu hoạch, chế biến sáp ong được thực hiện liên tục cả ngày lẫn đêm, quá trình này mất khoảng 2 ngày. Với người dân xóm Hoài Khao, thu hoạch sáp ong khoái như một ngày hội lớn của bà con trong xóm. Trong 2 ngày thu hoạch sáp ong, người dân góp gà, gạo, rau để nấu cơm ăn chung trong tiếng cười rộn rã của bà con nhân dân và du khách. Đây cũng là dịp để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, cố kết cộng đồng người Dao Tiền ở Hoài Khao.
Những nam giới khỏe mạnh, khéo léo, giỏi leo trèo được giao nhiệm vụ vào rừng trèo lên vách đá, cành cây để chọc những tổ ong rơi xuống bên dưới. Trong khi đó, những người phụ nữ ở phía dưới thì thu những tảng sáp ong, buộc gọn lại để mang về nơi tập kết tại xóm.
Tinh chất sáp ong được người dân Dao Tiền sử dụng để in trang trí hoa văn lên vải.
Đến nay, xóm Hoài Khao vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Dao. Xóm có cảnh quan thiên nhiên yên bình và thơ mộng, kiến trúc nhà cổ bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, mỗi gia đình có một kho chứa thóc làm bằng gỗ nằm tách biệt với nhà chính, có thung lũng ruộng bậc thang, nghề in hoa văn bằng sáp ong, nghề chạm bạc tinh xảo và các bài thuốc y học cổ truyền tốt cho sức khỏe… Với những giá trị văn hóa độc đáo riêng có của người Dao Tiền ở Hoài Khao, nơi đây đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của miền Non nước Cao Bằng.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn