Đối với người Dao Đỏ ở Cao Bằng, rằm tháng Bảy là ngày Tết quan trọng của năm sau Tết Nguyên đán. Người Dao Đỏ có tục thờ cúng tổ tiên, thần linh để tỏ lòng tôn kính, mong tổ tiên phù hộ cho gia đình ấm no, sức khỏe và hạnh phúc. Trước ngày rằm, các gia đình sắm sửa mâm cúng, làm bánh để cúng tổ tiên và các vị thần linh.
Ngay từ đầu tháng Bảy, các chợ phiên trở nên đông đúc, nhộn nhịp, mọi người bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm bánh, sắm sửa các mâm cỗ, đồ cúng cho gia đình. Mời quý vị hãy cùng Vietnam.vn tham gia buổi gói bánh để cúng Rằm tháng bảy của đồng bào dân tộc Dao Đỏ qua bộ ảnh “Người Dao đỏ làm bánh cúng rằm tháng bảy” của tác giả Hoàng Thị Hoan. Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp, lá gai, đậu xanh, đường mía, muối và lá chuối. Các loại bánh của người Dao Đỏ là bánh gai, bánh rợm. Bộ ảnh được tác giả chụp tại Cao Bằng và được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Với quan niệm “vạn vật hữu linh” và tin vào sự tồn tại của cõi thiêng, người Dao Đỏ ở Cao Bằng có tục thờ cúng tổ tiên, thần linh để tỏ lòng tôn kính, mong tổ tiên phù hộ cho gia đình ấm no, sức khỏe và hạnh phúc.
Trước ngày rằm, các gia đình sắm sửa mâm cúng, làm bánh gai, bánh rợm cúng tổ tiên và các vị thần linh. Đến ngày rằm họ không cúng tổ tiên nữa mà chỉ chuẩn bị mâm cỗ mời anh em, hàng xóm đến chơi.
Trẻ em được phân công đi tìm những bụi chuối mật lá to, đẹp và đều, róc lấy lá, phơi nắng cho héo rồi bó thành từng bó nhỏ. Người lớn lên rừng tìm lá gai, lá chuối, là nguyên liệu chính để làm bánh gai, bánh rợm. Lá gai lấy về phơi khô, tước hết gân lá, đem ninh nhừ, rửa sạch, giã nhuyễn và sao cho tơi.
Gạo làm bánh phải là loại gạo nếp nương ngon, không lẫn gạo tẻ, đem ngâm nước qua đêm cho hạt gạo nở ra, xay thành bột mịn cho vào túi vải và treo lên cho ráo nước.
Khi bột gạo ráo hết nước đem trộn với bột lá gai đã sao trước đó, thêm chút nước đường phên đun sôi, rồi giã thật nhuyễn. Các công đoạn làm bánh rợm cũng tương tự như vậy, nhưng có phần đơn giản hơn vì bột gạo nếp sau khi để ráo sẽ được nhào nhuyễn, không phải cho lá gai vào.
Còn nhân bánh tùy theo sở thích mỗi nhà mà làm nhân khác nhau, thường là nhân đậu xanh đồ chín, giã mịn trộn với đường hoặc là nhân lạc rang muối giã vụn. Khi gói, chia bột bánh thành những phần nhỏ đều nhau, cho nhân bánh vào giữa bột rồi nặn cho bột bao kín nhân, rắc thêm một lớp vừng ở ngoài và gói lại bằng lá chuối.
Bánh sau khi gói xong đem hấp từ 1 – 2 giờ là được. Bánh gai khi chín có màu đen óng mịn màng, vị ngọt lịm nước đường phên lẫn vị thơm dẻo của gạo nếp và lá gai. Còn bánh rợm giữ nguyên màu trắng của bột gạo nếp, dẻo thơm.
Lễ cúng của người Dao Đỏ được chuẩn bị khá cầu kỳ. Từ sáng sớm người lớn dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng trước khi thầy cúng đến nhà. Trong lễ cúng chia làm hai loại: thứ nhất, là thờ tổ tiên (ồng thái miên) đặt ở bên trái bàn thờ, bên phải bày 3 đôi bánh gai đặt 2 bên, ở giữa bày 1 con gà trống luộc. Người Dao Đỏ luôn đặt chữ hiếu làm đầu, họ luôn tin rằng các vị tổ tiên, ông bà luôn dõi theo phù hộ cho con cháu. Vì vậy trong buổi lễ, các thầy cúng sẽ cúng tổ tiên trước. Tiếp theo, ở bên phải thờ các vị thần, các sinh linh, cô hồn lang thang vất vưởng (lồ chây miên), ở đây bày 1 đôi bánh và đặt 1 bát nước.
Thầy cúng sẽ khấn trước bàn thờ, thông báo với tổ tiên về những gì đã trải qua trong năm và cầu mong các vị tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi thầy cúng làm xong các thủ tục trình báo thần linh, tổ tiên, mời rượu, mời cơm và đốt vàng mã để thần linh cùng tổ tiên làm lộ phí, nghi lễ mới kết thúc.
Đối với người Dao Đỏ, việc thờ cúng luôn được chú trọng, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên luôn được duy trì. Nghi lễ thờ cúng nói chung của người Dao Đỏ mang đậm tính nhân văn, hướng con cháu nhớ đến cội nguồn, xua đuổi cái ác; mang những giá trị tích cực, đặc trưng tạo nên nét văn hóa độc đáo riêng biệt.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn