Nhờ sự vào cuộc quyết liệt với những giải pháp đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, nhiều nông dân trong xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả với cây lúa, ngô sang gieo trồng các loại cây như: Na, bưởi… Nhìn từ thực tế, các mô hình này đã cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn, bà con ai cũng phấn khởi. Những mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích canh tác.
Ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng cho biết, thời gian qua chúng tôi chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực đưa các loại giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất, từng bước hình thành vùng cây ăn quả tập trung theo hướng bền vững, qua đó từng bước nâng cao giá trị nông sản, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo ở địa phương.
Những người tiên phong và thành công từ việc chuyển đổi cây trồng ở xã Thái Niên, phải kể đến gia đình chị Thàn Thị Phượng ở thôn Múc. Gia đình chị Phượng là một trong những hộ điển hình về trồng cây ăn quả ở xã Thái Niên. Chị Phượng chia sẻ: Nhận thấy trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi đã đầu tư cải tạo vườn đồi để mở rộng diện tích trồng bưởi, vải thiều…
Được biết, gia đình chị Phượng gắn bó với nghề trồng bưởi trên mảnh đất này cũng hơn hai chục năm nay. Hiện tại, vườn bưởi của gia đình chị có khoảng 60 chục gốc, chủ yếu là trồng bưởi Múc và bưởi Diễn, bình quân mỗi năm gia đình chị Phượng thu về từ tiền bưởi được khoảng 60 – 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị còn trồng khoảng 120 gốc vải lai Thanh Hà, bình quân mỗi vụ xuất khoảng 4 tấn quả, cho thu về gần 100 triệu đồng.
Cũng như gia đình chị Phượng, gia đình anh Lê Văn Hoàn ở thôn Báu, xã Thái Niên đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng na mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện gia đình anh có khoảng 200 gốc Na gần chục năm tuổi. Theo anh Hoàn, những năm trước gia đình anh chỉ trồng na chính vụ, một năm cho thu khoảng 40 -50 triệu đồng.
Sau này tham khảo thấy nhiều nơi trồng na trái vụ cho mang lại giá trị cao gấp 2 -3 lần so với trồng na chính vụ, từ đó anh đã quyết tâm đi thực tế học hỏi mô hình trồng na trái vụ ở xã Phong Niên, sau đó về áp dụng vào mô hình của gia đình…”Để cây na trái vụ có năng suất, chất lượng cao, người trồng na cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm sóc cây na ngay sau khi thu hoạch chính vụ kết thúc. Làm na trái vụ không đòi hỏi yêu cầu, kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên yếu tố chính là thời điểm thụ phấn và thời tiết thuận lợi sẽ cho năng suất cao, chất lượng quả tốt” anh Hoàn chia sẻ. Bình quân một năm 2 vụ na cho gia đình anh thu về gần 150 triệu đồng, trừ chi phí cũng để ra được khoảng 110 triệu đồng.
Hiện nay, xã Thái Niên có hơn 200 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi đất ruộng cấy lúa sang trồng rau, màu, cây ăn quả, với tổng diện tích 186ha. Theo người dân hoạch toán, mỗi ha trồng rau, màu cho nguồn thu từ 138 – 160 triệu đồng. Hiện vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa của xã đã hình thành với hơn 25ha rau, màu; 37ha chè; diện tích cây ăn quả gần 300ha, trong đó, có khoảng 80% ha cây ăn quả chủ lực như bưởi, na… Năm 2021 “bưởi Múc” của xã được nâng hạng thương hiệu từ 3 sao lên 4 sao.
Ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết thêm: Việc tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân xã Thái Niên huyện, Bảo Thắng chúng tôi từng bước nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ; bà con yên tâm phát triển sản xuất, gắn bó với các loại cây trồng chủ lực này. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
“Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa giá trị cây ăn quả, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân cải tạo, thâm canh diện tích hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây ăn quả trên địa bàn. Chú trọng tới việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân; vận động bà con đưa những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào sản xuất…”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Ngoài ra với diện tích đất đồi, xã Thái Niên định hướng người dân phát triển cây lâm nghiệp. Hiện diện tích quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp của xã là 6.500ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên, trong đó đất có rừng đạt gần 6.000ha. Trên địa bàn xã, các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản cũng phát triển mạnh (6 cơ sở), giúp việc tiêu thụ gỗ rừng trồng thuận lợi.
Kinh tế từ trồng rừng, chế biến lâm sản cũng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã..
Trong thời gian tới, xã Thái Niên tiếp tục bám sát các đề án của huyện, tỉnh trong định hướng phát triển nông nghiệp, nhân rộng mô hình công nghệ cao, mô hình liên kết trồng rau màu và các loại cây ăn quả… góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững cho người dân.
Nguồn: https://baodantoc.vn/nguoi-dan-vung-cao-thu-nhap-hang-tram-trieu-moi-nam-nho-chuyen-doi-cay-trong-1721710830789.htm