SGGP
Trong bối cảnh thu nhập không như mong muốn khi nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, người dân Trung Quốc đã dần bỏ tâm lý sính ngoại, chuyển sang dùng hàng nội địa có chất lượng tốt.
Người dân Trung Quốc chọn sản phẩm điện thoại nội địa |
Theo khảo sát do Công ty Kiểm toán PwC (Anh) công bố trong tháng 10, quyết định của người tiêu dùng Trung Quốc bị ảnh hưởng do tài chính cá nhân nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Trong đó, 51% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết đang hạn chế chi tiêu do tình hình kinh tế hiện tại.
Cách đây 5 năm, thị trường tiêu dùng nước này bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài. Khi ấy, các thương hiệu nội địa phải vất vả cạnh tranh, thường gặp khó bởi chất lượng thấp và hoạt động tiếp thị yếu kém. Nhưng giờ đây, nhiều nhãn hiệu trong nước trở nên thịnh hành ở siêu thị và trung tâm thương mại.
Cùng với đó, danh tiếng về chất lượng, thiết kế và kỹ thuật bán hàng của họ cải thiện khi nắm bắt được thị hiếu đang thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Các sản phẩm nội địa có cơ hội phát triển thành sản phẩm thay thế nhờ mức giá cạnh tranh hơn so với các thương hiệu nước ngoài.
Ngoài giá tốt và niềm tin vào chất lượng, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi một phần nhờ những khách hàng trẻ. Họ ngày càng cởi mở với các thương hiệu mới.
Các thương hiệu mỹ phẩm, quần áo và đồ gia dụng nội địa đang ghi nhận mức tăng thị phần ổn định. Theo báo cáo hồi tháng 8 của hãng nghiên cứu tư vấn EqualOcean có trụ sở tại Bắc Kinh, trong nửa đầu năm nay, người tiêu dùng trực tuyến ưa chuộng các thương hiệu nội địa ở một số lĩnh vực nhất định. Hơn 70% người mua chọn quần áo thời trang nội địa và hơn 90% chọn đồ ăn nhẹ và đồ uống từ các doanh nghiệp trong nước.
Ngành công nghiệp livestream bán hàng đang tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc cũng hỗ trợ tích cực cho các mặt hàng nội địa. Mỗi dòng sản phẩm nội địa có chất lượng tốt đều có thể trở thành xu hướng tiêu dùng trong nước. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt, thậm chí một số thương hiệu đã “cháy hàng” trong thời gian gần đây.
Để nhanh chóng chiếm thị phần, các hãng sản xuất nội địa không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Hai hãng đồ thể thao Li Ning và Anta Sports đầu tư vào các dây chuyền mới. Hãng tư vấn Morgan Stanley (Mỹ) dự báo thị phần của 2 thương hiệu này sẽ đạt 22% vào năm 2024. So với Adidas và Nike, người tiêu dùng Trung Quốc xem sản phẩm của Li Ning và Anta Sports đáng đồng tiền bát gạo hơn, khi so chất lượng với giá cả.
Giới chuyên gia kinh tế Trung Quốc đánh giá, đây là xu hướng tích cực, có thể thúc đẩy sản xuất ngược dòng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, điều này đòi hỏi sự cải thiện tổng thể về niềm tin của người tiêu dùng.
Mặc dù các sản phẩm nội địa đang trở nên hấp dẫn hơn, nhưng họ vẫn còn một khoảng cách lớn phải lấp đầy trước khi có thể cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế.
Dù người tiêu dùng đang đánh giá cao tính hiệu quả về mặt chi phí và sự an toàn của các thương hiệu nội địa, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm, cũng như các tính năng độc đáo để hiện diện lâu dài trên thị trường toàn cầu.