Ngày 1/2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức lễ khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Mọc (quận Thanh Xuân) đến cầu Yên Hòa (quận Cầu Giấy).
Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào chiều cùng ngày, lượng người tham gia di chuyển bằng xe đạp trên tuyến đường này còn khá khiêm tốn, chủ yếu là người sử dụng xe đạp thể thao để tập thể dục.
Nhiều người chưa biết tuyến đường đã được thay đổi công năng sử dụng, từ đường cho người đi bộ sang đường dành cho cả xe đạp và người đi bộ.
Ông Hùng (70 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết thường xuyên tập thể dục dọc tuyến đường này, do đó vẫn theo thói quen đi men theo sông Tô Lịch. Dù vậy, làn đường này hiện dành cho xe đạp, người đi bộ sẽ đi ở làn giáp với đường Láng.
Người đàn ông cảm thấy “có chút bất tiện” khi thỉnh thoảng phải tránh xe đạp, nhưng ông cho biết sẽ thử sử dụng xe đạp công cộng trong thời gian tới, thay vì đi bộ như mọi khi.
“Đường được làm mới, sơn kẻ vạch rõ ràng nhưng người đi bộ như tôi sẽ phải thay đổi thói quen đi sang làn đường khác. Người đi xe đạp có lẽ cũng không thoải mái khi chỉ chạy được một đoạn lại phải vác xe qua hàng rào để đi tiếp, nhưng buộc phải có hàng rào để xe máy không vào được”, ông Hùng nói.
Cùng cảm nhận, ông Hoàng Minh, một người đam mê tập luyện bằng việc đạp xe, cho biết ông cảm thấy bất tiện khi tuyến đường chỉ dài gần 3km nhưng phải liên tục vác xe qua hàng rào để tiếp tục di chuyển.
Thừa nhận có riêng một đường dành cho xe đạp giúp ông không phải luồn lách qua các tuyến đường ùn tắc khi muốn tập luyện, nhưng ông cho biết những hàng rào ngăn cách là lý do ông không ưu tiên sử dụng phần đường này.
“Đường đẹp nhưng không tối ưu cho người đạp xe để tập luyện, vì cứ đi một đoạn ngắn lại phải dừng xe, sang đường, rồi vác xe qua rào”, ông Minh phàn nàn.
Những bất cập mà ông Minh hay ông Hùng đề cập có thể là lý do khiến một đoạn rào chắn đã bung ra ở đầu tuyến đường đoạn giao với cầu Trung Hòa.
Trước đó, đơn vị chức năng đã dỡ bỏ một số rào chắn, nhằm giúp các xe đạp dễ lách vào tuyến đường. Nhưng chỉ sau vài giờ bắt đầu thí điểm, phần rào chắn ở giữa đã bung ra, để hở khoảng trống lớn mà ngay cả xe máy cũng có thể đi vào.
Sử dụng tuyến đường với mục đích khác, Văn Thịnh (sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết thay vì sử dụng xe buýt đi trên đường Láng ùn tắc, cậu bạn sử dụng xe đạp công cộng để di chuyển từ Cầu Giấy sang Thanh Xuân, sau đó đi bộ một đoạn để đến chỗ hẹn gần đó.
Thời gian di chuyển ngắn, không phải chen chúc là những ưu điểm mà Thịnh nhận thấy khi sử dụng xe đạp trên tuyến đường này. Nhưng chàng sinh viên thừa nhận không phải ngày nào cũng đi cung đường “tiện lợi” như vậy.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sau khi chính thức đưa vào hoạt động, đây là tuyến đường dành cho xe đạp đầu tiên của thủ đô.
Mục tiêu của tuyến này nhằm từng bước đồng bộ hạ tầng kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang vận hành và tuyến Nhổn – ga Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn trên cao vào tháng 6 tới đây.
“Dọc tuyến đường này đặt 7 trạm xe đạp công cộng, kết nối hơn 20 tuyến xe buýt. Đây là những “mảnh ghép” đầu tiên, quan trọng và tối ưu để xử lý những bất cập, khi hai tuyến đường sắt đô thị vận hành mà chưa thể kết nối với nhau”, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.
Lãnh đạo ngành giao thông thủ đô kỳ vọng khi sau khi đường dành riêng cho xe đạp đi vào hoạt động, hiệu quả của hai tuyến đường sắt đô thị sẽ được phát huy, nhờ đó tăng số lượng người dân lựa chọn phương tiện công cộng khi tham gia giao thông.
Đây cũng là một trong những bước quan trọng để Hà Nội dần tính đến việc hạn chế xe cá nhân tại một số khu vực trong nội đô, từ đó giúp giảm thiểu ùn tắc, đồng bộ hạ tầng.