Ngày 2/7, hàng trăm người dân TPHCM phấn khởi đến các trụ sở công an để làm thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ sáng sớm, rất đông người dân đã đến trụ sở Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 10 chờ làm thủ tục.
Bên trong phòng làm việc, các cán bộ, chiến sĩ chia làm nhiều khu vực, thực hiện thủ tục theo quy trình: tiếp nhận hồ sơ, lăn tay, lấy dữ liệu mống mắt, chụp hình, kiểm tra lại kết quả dữ liệu, trả hồ sơ.
Trong Luật Căn cước mới, mỗi công dân phải thực hiện thu thập sinh trắc mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của từng cá nhân. Luật căn cước mới cũng mở rộng thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên.
Có mặt tại trụ sở lúc 9h, anh Phạm Minh Lâm (48 tuổi, ngụ quận 10) dẫn theo con gái 6 tuổi lên làm thủ tục cấp căn cước.
“Con gái tôi sắp vào lớp 1, nhà trường yêu cầu giấy tờ tùy thân nên tôi tranh thủ nghỉ chạy xe 1 bữa đưa con lên làm. Tôi thấy quy trình tại đây cũng làm nhanh, người dân không cần chờ quá lâu”, anh Lâm nói.
Nhiều công dân độ tuổi 6-14 được người thân đưa đến làm thủ tục cấp căn cước. Cán bộ thu nhận sẽ thực hiện khai thác thông tin của trẻ và người đại diện pháp luật, sau đó tạo lập hồ sơ cấp căn cước. Một cán bộ công an cho biết, thủ tục hoàn thành hồ sơ diễn ra khoảng 10 phút/người.
Chị Nguyễn Thị Việt Thư (37 tuổi, ngụ phường 12) dẫn con gái 11 tuổi đến Công an quận 10 làm căn cước. “Theo tôi, việc làm căn cước cho trẻ em rất cần thiết, thể hiện sự văn minh, ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý của cơ quan nhà nước. Tôi thấy thủ tục tại đây được triển khai qua từng khâu chuyên nghiệp, dễ dàng cho người dân tiếp cận”, chị Thư nói.
Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn tuổi cũng đến trụ sở làm lại căn cước. Bà Phạm Mỹ Dung (64 tuổi, ngụ phường 4) được Cảnh sát khu vực hướng dẫn lên Công an quận 10 làm thủ tục đổi căn cước. “Tôi lên đây làm lại căn cước do bị trùng tên với người chị, bản thân đi xe lăn, may mắn được các đồng chí công an hướng dẫn tận tình, hỗ trợ làm thủ tục”, bà Dung nói.
Trung tá Kiều Thị Nguyệt, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 10 (TPHCM) cho biết, khác với mọi năm, năm 2024 Luật căn cước có 10 điểm mới, trong đó, trọng tâm là mở rộng đối tượng cấp cho người dân.
Trong ngày đầu triển khai, đơn vị đã giải quyết thành công cho 4 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt, không có quốc tịch, không có hộ khẩu thường trú, sau đó truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06). Ngoài ra, Công an quận 10 cũng cấp mới, cấp đổi hơn 300 hồ sơ.
“Trước đây, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 80-100 hồ sơ, riêng từ ngày 1/7 khi có Luật căn cước mới, người dân đến đăng ký đông nên lượng hồ sơ tăng đột biến. Tuy nhiên, trước khi triển khai, đơn vị đã tập huấn cho các cán bộ, chiến sĩ các bước thực hiện trên phần mềm dữ liệu, bảo dưỡng thiết bị nên mọi việc đều thuận lợi”, Trung tá Nguyệt nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-tphcm-gac-viec-dua-tre-nho-di-lam-can-cuoc-20240702132935796.htm