Tháng 5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều ban hành Văn bản 1790 yêu cầu ngành chức năng vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy (BCC), phấn đấu mỗi hộ trang bị ít nhất 1 BCC và dụng cụ cứu hộ cần thiết. Qua công tác tuyên truyền, đến nay hầu hết các hộ gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), kỹ năng thoát nạn khi có tình huống cháy nổ xảy ra, đặc biệt là tự chủ động trang bị BCC mini trong gia đình phòng khi có sự cố.
Công an Phường 3 (TP. Bạc Liêu) tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư.
45% hộ dân tự trang bị BCC tại gia đình
Trước diễn biến phức tạp của các sự cố cháy hiện nay, đặc biệt là những vụ cháy nhà dân gây thiệt hại về tính mạng con người xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, lực lượng Công an trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ cháy nổ tại hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất – kinh doanh; tăng cường các buổi hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn; kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu… Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung hoàn thành các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 01 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, cũng như thực hiện theo tinh thần Văn bản 1790 của UBND tỉnh. Trong đó, đến ngày 30/9 vận động 50% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 1 BCC, mỗi gia đình có ít nhất một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và phấn đấu hoàn thành 100% trong năm 2023.
Gần 2 tháng qua, lực lượng Công an cơ sở tăng cường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCC vừa tuyên truyền, vận động Nhân dân tự trang bị BCC tại hộ gia đình. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh), hiện có 164.018 hộ gia đình được tập huấn kiến thức kỹ năng về PCCC và cứu hộ, cứu nạn, chiếm 70% tổng số hộ toàn tỉnh. 104.469/234.438 hộ chủ động trang bị BCC xách tay, đạt 45%.
Bà Mai Thị Nghi (Phường 3, TP. Bạc Liêu) tập cách sử dụng bình chữa cháy xách tay. Ảnh: T.H
Phòng cháy từ ý thức mỗi người dân
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thông qua công tác tuyên truyền, vận động đến từng xóm ấp, khu dân cư, hầu hết người dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC. Ngay khi UBND tỉnh chỉ đạo, 100% cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đã hoàn thành trang bị BCC ở gia đình mình. Nhiều cán bộ, đảng viên ở các sở, ngành, đoàn thể cũng tích cực mua BCC cho gia đình. Đối với các địa phương, TP. Bạc Liêu là đơn vị vận động thực hiện PCCC tiêu biểu nhất.
“Địa bàn vốn có hoạt động kinh doanh sầm uất, mật độ dân cư đông, với các hẻm nhỏ, do đó thời gian qua Công an TP. Bạc Liêu tăng cường chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng, Khu dân cư an toàn PCCC. Đồng thời, đến từng khu dân cư tập huấn, hướng dẫn PCCC cho Nhân dân, vận động gia đình tự trang bị phương tiện PCCC đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ, cũng như đảm bảo cho các hộ dân được cập nhật kiến thức, kỹ năng, có dụng cụ và biết cách sử dụng để chữa cháy tại chỗ ban đầu”, Trung tá Nguyễn Tấn Đạt – Phó Trưởng Công an TP. Bạc Liêu, chia sẻ.
Cùng với Công an Phường 3 (TP. Bạc Liêu), chúng tôi ghé một căn nhà mặt phố ở khóm 4. Bước vào nhà, có 1 BCC được đặt ở vị trí khá dễ nhìn. Bà Mai Thị Nghi (70 tuổi) cho biết: “Qua báo đài, vợ chồng tôi thấy ở các tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm ngay tại hộ gia đình, nên khi được Công an phường, Công an khu vực tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã tự trang bị BCC để trong nhà. Tai nạn là điều không ai mong muốn, vì vậy việc cẩn thận phòng ngừa vẫn hơn. Không chỉ bảo vệ trước nhất cho mình mà cũng có thể sử dụng để giúp đỡ người khác”.
Điều then chốt nhất trong công tác PCCC là vấn đề ý thức của người dân, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp… Thay đổi, nâng cao ý thức PCCC trong mỗi người dân sẽ tạo nên sức mạnh toàn dân trong PCCC, hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Thanh Hải