Philippines gì cũng có, khách vẫn du lịch Việt Nam, Thái Lan
Một bài viết đang "gây bão" trên mạng xã hội Philippines khiến nhiều người dân nước này tranh luận gay gắt. Nội dung tranh luận liên quan tới việc Philippines chỉ xếp thứ 7 về lượng khách quốc tế đến trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều ý kiến cho rằng hạ tầng yếu kém, chi phí cao và khả năng tiếp cận hạn chế là nguyên nhân chính. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, quốc gia này đang âm thầm chuyển mình sang mô hình du lịch bền vững, chất lượng cao hơn.
Cơn bão tranh luận bắt nguồn từ bài đăng của nhà sáng tạo nội dung Thea Tan hồi đầu tháng với nhiều nội dung đáng chú ý.
Boracay từ nhiều năm qua trở thành niềm tự hào của du lịch Philippines (Ảnh: Trip).
"Philippines sở hữu những thứ mà các nước khác mơ ước. Đó là những bãi biển đẹp, nền văn hóa sôi động, ẩm thực tuyệt vời và người dân thân thiện nhất. Vậy tại sao du khách vẫn chọn Việt Nam, Thái Lan và Bali (Indonesia) thay vì chúng ta", một phần bài viết đưa ra quan điểm.
Nhà sáng tạo nội dung Tan dẫn số liệu từ công ty phân tích du lịch Outbox có trụ sở tại Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Philippines chỉ đón 2,1 triệu lượt khách quốc tế, trong khi tổng lượt khách đến Đông Nam Á là 48,5 triệu.
Malaysia dẫn đầu với 13,4 triệu lượt, Thái Lan đạt 12,09 triệu và Việt Nam đón 7,67 triệu du khách căn cứ theo số liệu chính thức của các quốc gia. Trong cả năm 2024, Philippines ghi nhận 5,9 triệu lượt khách – thấp hơn Campuchia (6,7 triệu) và không đạt mục tiêu 7,7 triệu lượt khách đề ra của chính phủ.
Với những số liệu này, Tan thừa nhận Philippines chưa thể trở thành điểm đến ưu tiên ở khối ASEAN. Cô cho rằng, khách quốc tế tới đây bị mệt mỏi vì cơ sở hạ tầng còn yếu kém, việc di chuyển khó khăn.
Bên cạnh đó, ngay cả người dân Philippines cũng nhận thấy việc du lịch trong nước đắt đỏ, chưa nói tới người nước ngoài.
Bài viết lập tức nhận về sự đồng thuận của số đông. Không ít người dùng mạng xã hội chỉ trích mức giá đắt và tình trạng khó tiếp cận đang xảy ra tại quốc gia này.
Tuy nhiên điều này cũng gây phản ứng gay gắt trong bối cảnh những điểm đến hàng đầu ở Philippines như Boracay, Palawan vẫn góp mặt thường xuyên trên các bảng xếp hạng toàn cầu.
Nhiều người Philippines lo lắng khi thấy lượng khách quốc tế đổ dồn sang Thái Lan, Việt Nam thời gian qua (Ảnh minh họa: Trung Thi).
Năm 2024, Boracay còn được vinh danh là “Điểm đến đảo sang trọng hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2024.
Tuy nhiên, lượng khách đến Philippines trong 4 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn 26% so với thời kỳ trước đại dịch. Phần lớn do lượng khách từ Hàn Quốc – thị trường du lịch lớn nhất của nước này đã sụt giảm.
Ước tính hơn 468.330 du khách Hàn Quốc đến Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách Trung Quốc cũng giảm mạnh. Năm ngoái, chỉ có 300.000 du khách Trung Quốc đến Philippines – thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2 triệu lượt khách của Bộ Du lịch.
Bộ trưởng Du lịch Christina Frasco cho biết, nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị gia tăng và việc tạm dừng cấp thị thực điện tử cho công dân Trung Quốc.
“Không ai có thể lường trước được yếu tố địa chính trị lại ảnh hưởng tới lượng khách từ Trung Quốc đến mức này. Nhất là khi chúng ta đình chỉ cấp e-visa (thị thực điện tử). Điều trái ngược hoàn toàn với chính sách của các nước láng giềng ASEAN”, bà nói.
Chuyển hướng không phải tụt lùi?
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên chỉ nhìn vào số lượng du khách để đánh giá hiệu quả ngành du lịch.
Giáo sư Edieser dela Santa tại Viện Du lịch Châu Á thuộc Đại học Philippines nhận định, điều này khiến nhiều người lo lắng vì trước đây Philippines từng vượt mặt một số nước ASEAN như Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, tới nay đến cả Campuchia – nước bắt đầu phát triển du lịch muộn hơn cũng đã vượt qua.
Vị Giáo sư nói thêm rằng, việc chỉ đạt 5,9 triệu lượt khách, thấp hơn mục tiêu 7,7 triệu lượt khách khiến công chúng thất vọng.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Eylla Gutierrez tại Viện Quản lý Châu Á và là nhà nghiên cứu du lịch cho rằng, điều quan trọng không kém phải nhìn vào doanh thu du lịch và giá trị tổng thể mà khách mang lại.
Tại thành phố Baguio ở miền Bắc Philippines, du lịch đóng góp tới 25% GDP của địa phương. Bà Gutierrez cho rằng, các nhà hoạch định chính sách đang dần hiểu rằng số lượng khách không phản ánh toàn bộ bức tranh. Sự chững lại của lượng khách có thể là dấu hiệu cho thấy một sự chuyển hướng trong chiến lược du lịch quốc gia.
“Sau đại dịch, ngành du lịch Philippines đang được tái định hướng, không đặt nặng số lượng mà chú trọng hơn vào chất lượng, trách nhiệm và tính bền vững”, bà nói.
Theo bà Gutierrez, chiến lược mới này tập trung vào việc thu hút những du khách có ý thức, chi tiêu cao và sẵn sàng tương tác với cộng đồng địa phương. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu về phục hồi và phát triển bền vững trong du lịch.
Bà dẫn chứng doanh thu du lịch Philippines năm 2024 đã vượt mức trước đại dịch, đạt mức kỷ lục 760 tỷ peso (khoảng 13,2 tỷ USD). Con số này cho thấy khách đến chi tiêu mạnh hơn và xu hướng du lịch chất lượng cao đang dần hình thành.
Điều này cũng nhằm tránh lặp lại “thảm kịch” của Boracay năm 2018. Thời điểm đó, hòn đảo buộc phải đóng cửa tạm thời vì bị khai thác du lịch quá mức, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như xả thải trực tiếp ra biển.
Tuy nhiên Giáo sư Santa cũng chỉ ra một loạt điểm yếu khiến Philippines phục hồi du lịch chậm hơn các nước láng giềng. Các yếu tố bao gồm khả năng tiếp cận từ các thị trường lớn còn hạn chế, sân bay Manila có ít đường bay thẳng quốc tế, chỉ duy nhất một hãng bay châu Âu có chuyến thẳng đến thủ đô. Trong khi đó, các thành phố như Paris, London hay Rome đều có chuyến bay thẳng hằng tuần đến Bangkok.
Ngay cả tại những thị trường trọng điểm, Philippines cũng có ít chuyến bay hơn so với đối thủ cạnh tranh. Các điểm đến thứ cấp trong nước cũng khó tiếp cận vì hạn chế về sân bay. Thậm chí, nhiều nơi chưa đủ tiêu chuẩn đón chuyến bay quốc tế.
Cuối cùng, bà Gutierrez nhấn mạnh, để nâng tầm du lịch Philippines, cần nỗ lực toàn xã hội, bao gồm nâng cấp hạ tầng, tăng kết nối, quản lý điểm đến hiệu quả, đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đảm bảo cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ du lịch.
Dantri.com.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/nguoi-dan-philippines-tranh-luan-vi-sao-du-khach-thich-du-lich-viet-nam-20250702212819576.htm
Bình luận (0)