Sáng nay (28/6), với tỷ lệ đồng thuận rất cao (462/470 đại biểu có mặt tán thành, tỷ lệ 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là tin vui với không chỉ người dân Thủ đô mà với cả nước, bởi Luật Thủ đô 2024 với nhiều điểm mới kỳ vọng mở ra “kỷ nguyên mới” cho Hà Nội. Dưới đây là ghi nhận của PV chuyên trang Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế và Đô thị về ý kiến của người dân, chuyên gia, cán bộ… khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua.
|
Nhiều điểm mới, tiến bộ
PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội:
Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được thông qua thực sự là tin vui lớn với không chỉ người dân Hà Nội. Theo dõi sát quá trình xây dựng Luật, tôi nhận thấy, Luật được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Luật gồm 7 Chương 54 Điều, trong khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ có 4 Chương, 27 Điều. Có thể nói, đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô, cũng như sự phát triển chung của cả nước. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.
Đáng chú ý, Luật có nhiều nội dung mới như quy định về: Tổ chức chính quyền đô thị, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; Liên kết, phát triển vùng; Giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô… “Tôi cho rằng, đây là những quy định mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển Thủ đô”.
Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
|
Luật Thủ đô (sửa đổi) được các đai biểu bấm nút thông qua với tỷ lệ 95,06% tôi cho rằng là một sự tín nhiệm cao, chứng tỏ sự chất lượng của Luật Thủ đô 2024.
Luật này với nhiều điểm mới, trong đó tôi rất tâm đắc với Điều 4 quy định áp dụng Luật Thủ đô, đây là Điều mà Luật Thủ đô 2012 không có. Điều 4 có nêu:
1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
3. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề…
Tôi thấy, quy định về áp dụng Luật Thủ đô rất quan trọng vì liên quan đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật này trong thực tiễn. Với nhiều quy định mang tính đặc thù, tạo cơ chế riêng cho thành phố Hà Nội thì việc xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, việc áp dụng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, bộ, ngành là hết sức cần thiết.
Lực đẩy, sức hút để Hà Nội có thể thu hút người có tài
TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội:
|
Hôm nay, các đại biểu Quốc hội đã chính thức bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi thấy rất phấn khởi. Chúng ta có chính sách chung của cả nước, nhưng riêng với Thủ đô, với vị thế đặc biệt, trái tim của cả nước, Thủ đô cần có cơ chế đặc thù. Thủ đô phát triển thì cả nước cũng sẽ đồng hành phát triển.
Tôi đặc biệt tâm đắc với điểm mới của Luật quy định tại Điều 16 về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc phân quyền cho Hà Nội có những chính sách vượt trội, đặc thù để làm sao thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng trọng dụng được họ, giữ chân được họ lâu dài với sự phát triển của Thủ đô là điểm tôi đánh giá rất cao của nội dung chính saách trong dự thảo Luật lần này.
Đặc biệt, điểm c Điều 16 của Luật có nêu: “Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô”…
Như vậy, việc trọng dụng người có tài gồm cả người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp cho Hà Nội ngày càng phát triển, trở thành đầu tàu của cả nước.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì, Hà Nội:
|
Luật Thủ đô (sửa đổi) với rất nhiều điểm mới, tạo cơ chế đột phá cho Hà Nội, đặc biệt là về vấn đề quy hoạch và phân cấp, phân quyền. Vì thế, Luật được thông qua chúng tối thấy mở ra một cơ hội phát triển lớn cho Thủ đô của chúng ta.
Nói về quy định hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội, tôi cho rằng, đây cũng là một nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012. Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND, UBND TP Hà Nội được quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy; có những chính sách liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có tài năng; chính sách về biên chế, về tiền lương, thu nhập…
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn. Cùng với đó, bộ máy chính quyền gọn nhẹ hơn thì chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp đồng thời cũng được nâng cao.
Từ khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, bản thân cán bộ tư pháp chúng tôi cũng thoải mái, tự tin và chủ động hơn trong công việc. Từ đó việc phục vụ, giải quyết các vấn đề cho người dân cũng nhanh chóng, thông thoáng hơn. Cũng từ sự vui vẻ, hài lòng của người dân mà chúng tôi cảm thấy có động lực cống hiến hơn…”.
Ngoài ra, tôi cho rằng, việc thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giữa công chức ở quận và phường linh hoạt, chủ động, phù hợp hơn, chế độ chính sách về lương, ngạch được đồng bộ, nâng cao do thống nhất một loại chức danh công chức, không phân biệt công chức quận, công chức phường.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua không chỉ thể hiện sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại và giàu bản sắc.
Với những điều chỉnh hợp lý và sự đồng thuận cao, Luật Thủ đô (sửa đổi) hứa hẹn sẽ là hành lang pháp lý vững chắc, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Ông Đỗ Văn Cửu, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Phú Nhi 2, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội:
|
Tôi rất phấn khởi khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua. Tôi theo dõi sát quá trình xây dựng Luật qua báo chí và biết, Luật Thủ đô 2024 có nhiều điểm mới, tạo hành lang pháp lý cho Hà Nội là đầu tàu phát triển.
Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô việc được chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt là phù hợp với yêu cầu phát triển tình hình thực tiễn.
Tôi thấy, khoản 2 Điều 24 (Phát triển khu công nghệ cao) Luật Thủ đô 2024 – điểm mới so với Luật cũ -nêu: Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được áp dụng ngân sách TP bố trí vốn để đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc.
Đây là chính sách có tính chất vượt trội, đột phá để TP phát triển.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, trú tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội:
|
Chúng tôi đều mong muốn Hà Nội có cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô. Luật Thủ đô không chỉ là luật cho một vùng phát triển, mà sẽ tạo ra khả năng để thu hút được thu hút những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chúng tôi – những người đang sinh sống tại Hà Nội cảm thấy rất phấn khởi, kỳ vọng. Tôi quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, bởi, so với Luật Thủ đô hiện hành, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Ở bất cứ thời điểm nào, nước nào cũng thế, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế – xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Những chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng là lực đẩy, sức hút để Hà Nội có thể thu hút người có tài, đưa Thủ đô trở thành thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng… theo đúng tinh thần của Luật.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-phan-khoi-khi-thong-qua-luat-thu-do-sua-doi.html