Tờ The Guardian ngày 14/3 đưa tin, ông Paul Alexander, bệnh nhân bại liệt từ năm 6 tuổi và trải qua phần lớn cuộc đời trong “lá phổi sắt”, vừa qua đời tại thành phố Dallas (bang Texas, Mỹ), thọ 78 tuổi.
Được biết, ông Paul Alexander sinh năm 1946 tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ. Mùa hè năm 1952, đại dịch bại liệt bùng phát trên khắp nước Mỹ và cậu bé Paul, năm đó 6 tuổi, là một trong những nạn nhân.
Paul bị nhiễm bệnh bại liệt và chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, cuộc sống của cậu bé khỏe mạnh và năng động này đã thay đổi hoàn toàn. Paul không thể nói, không thể nuốt và bị suy hô hấp do virus bại liệt.
Để duy trì mạng sống cho Paul, các bác sĩ đã phải phẫu thuật mở khí quản cho cậu bé, sau đó đặt Paul vào bên trong một chiếc máy được gọi là “lá phổi sắt”. Ban đầu, các bác sĩ chỉ tìm cách duy trì sự sống cho Paul, nhưng không ai ngờ rằng cậu bé này lại có thể sống lâu đến như vậy.
Dù chỉ có thể cử động phần đầu, Paul vẫn có thể vẽ tranh, được mẹ hướng dẫn cách đọc… Ông thậm chí còn tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân luật tại Đại học Texas. Không thể viết bài, Paul đã học bài bằng cách đọc và ghi nhớ các nội dung. Sau khi tốt nghiệp đại học, Paul cũng đã thành lập một văn phòng luật sư của riêng mình.
Sau hơn 70 năm gắn bó với “lá phổi sắt”, Paul đã qua đời vào ngày 11/3 vừa qua. Tuy nhiên, gia đình và người thân của ông mới chỉ công bố thông tin này.
“Với lòng nặng trĩu, tôi phải nói rằng anh trai tôi đã qua đời đêm qua. Thật vinh dự khi được trở thành một phần trong cuộc sống của một người được ngưỡng mộ như anh ấy”, theo người em trai Philip Alexander.
Ông Christopher Ulmer, một người ủng hộ người khuyết tật và đang điều hành việc gây quỹ cho Paul cũng xác nhận sự ra đi của ông trong bản cập nhật trên trang GoFundMe.
“Câu chuyện của ông lan xa, ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên khắp thế giới. Paul là một hình mẫu đáng kinh ngạc sẽ tiếp tục được ghi nhớ”, theo ông Ulmer.
Cập nhật trước đó trên tài khoản TikTok chính thức của ông Paul cho biết ông đã được đưa vào phòng cấp cứu sau khi nhiễm Covid-19. Paul hưởng thọ 78 tuổi, độ tuổi mà ngay cả những bác sĩ lạc quan nhất cũng không thể ngờ rằng ông có thể đạt được khi đặt ông vào bên trong chiếc lồng sắt cách đây hơn 70 năm.
“Tôi vô cùng biết ơn những người đã quyên góp và gây quỹ để hỗ trợ cho anh trai tôi. Số tiền đó đã giúp anh ấy sống những năm cuối đời an nhàn và sử dụng để chi trả cho đám tang của anh ấy trong thời điểm khó khăn này”, ông Philip chia sẻ.
“Dù gặp nhiều hạn chế, anh ấy đã sống một cuộc sống đầy trọn vẹn. Hy vọng anh ấy sẽ là nguồn cảm hứng bất tận để mọi người có thể noi theo và luôn tưởng nhớ đến anh ấy”, ông Philip nói thêm.
Vào tháng 3 năm ngoái, Tổ chức Kỷ lục Guinness đã công nhận Paul Alexander là bệnh nhân sống lâu nhất trong “lá phổi sắt”.
Sự ra đi của Paul Alexander đã khiến nhiều người tiếc nuối, khi từ lâu ông là một tấm gương sáng về nghị lực vượt qua số phận để vươn lên. Ông đã sống sót qua đại dịch bại liệt và đại dịch Covid, nhưng cuối cùng vẫn bị qua đời vào thời điểm tưởng chừng như Covid đã hoàn toàn biến mất.
Bệnh bại liệt hay còn gọi là poliomyelitis là bệnh do virus gây ra có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em dưới 5 tuổi. Căn bệnh thường truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với phân của bệnh nhân hoặc qua giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Sau khi ở trong cơ thể, virus polio nhân lên ở cổ họng và ruột, đôi khi xâm chiếm hệ thần kinh, dẫn tới tình trạng liệt.
“Lá phổi sắt” được phát minh vào năm 1928 bởi nhà phát minh Philip Drinker và bác sĩ Louis Shaw, được sử dụng rộng rãi để điều trị suy hô hấp do bệnh bại liệt.
Thiết bị là hình trụ lớn nằm ngang đóng vai trò như máy hô hấp nhân tạo, hoạt động bằng cách mô phỏng quá trình thở. Ban đầu, không khí được hút ra khỏi hộp bằng máy bơm điều khiển bằng tay hoặc motor. Điều này tạo ra chân không khiến phổi của bệnh nhân giãn ra và hút khí vào. Sau đó, không khí được đưa trở lại hộp, làm tăng áp suất bên trong, kéo theo phổi của bệnh nhân xẹp xuống để đẩy khí.
Hàng nghìn người đã được đặt vào “phổi sắt” để giữ cho họ sống sót trong giai đoạn những năm 1940-1950, khi căn bệnh bại liệt trở nên phổ biến trên khắp nước Mỹ.
Ngày nay, với sự phát triển của các phương pháp điều trị bại liệt tốt hơn và sự ra đời của máy thở, “phổi sắt” hiện ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn được sử dụng trong một số trường hợp, chẳng hạn như đối với những bệnh nhân bị tổn thương cơ ngực hoặc cơ hoành.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Thanh Niên)