Mang tiền tỷ về quê khởi nghiệp
Năm 2001, xây dựng gia đình, anh Thái Doãn Tuấn (48 tuổi, trú Làng Danh, xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) cùng vợ lên Tổng đội thanh niên xung phong 6 – xây dựng kinh tế, lập nghiệp. Năm 2010, Tổng đội thanh niên xung phong giải thể, vợ chồng anh Tuấn trở về quê với số tiền hơn 3 tỷ đồng bồi thường.
Có vốn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng anh Tuấn vẫn loay hoay với lựa chọn “trồng cây gì, nuôi con gì” để khởi nghiệp.
“Tôi thầu 4ha vùng đất Đồng Bàu, xã Lăng Thành, để trồng mía nhưng đúng đợt mía rớt giá, bị nhà máy thu mua ép giá. Sau thời gian gắng gượng thì đành phải nói lời tạm biệt loại cây này, dù mía sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với chất đất và cho năng suất khá”, anh Tuấn cho hay.
Sau khi suy tính, anh quyết định trồng bí xanh. Cũng như nhiều loại cây nông nghiệp khác, bí xanh chịu tác động của giá cả thị trường thất thường. Tuy nhiên, ưu thế của loại quả này là có thể bảo quản được trong một thời gian nhất định để đợi giá, nếu thu hoạch khi quả bí đủ già và trong điều kiện môi trường thích hợp.
Với kiến thức tích lũy được trong hơn 10 năm tham gia tổng đội thanh niên xung phong, vợ chồng anh Tuấn cải tạo vùng Đồng Bàu thành vườn bí xanh mướt mắt.
Để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho vườn, không ảnh hưởng đến việc đậu quả, phát triển của bí, có thời điểm anh Tuấn phải thức trắng đêm để bơm, dẫn nước từ hệ thống thủy nông của xã vào.
Cây bí hợp đất, đủ nước, thích ứng với khí hậu nên phát triển tốt, cho quả to đều, ít sâu bệnh và có hình thức mẫu mã đẹp, năng suất đạt 40 tấn/ha.
“Cãi” trời, phá lời nguyền “được mùa mất giá”
Tuy nhiên, đúng như dự báo, vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa được giá” cứ lặp lại, có thời điểm giá bí chạm đáy, chỉ còn 5.000 đồng/kg.
“Giá thấp nhưng cũng khó bán, thương lái chỉ chọn những quả to, đẹp”, chị Nguyễn Thị Thanh (44 tuổi, vợ anh Tuấn), cho hay.
Muốn không phải phụ thuộc vào thị trường thì phải chủ động được nguồn hàng trong cả năm. Từ mỗi năm một vụ, bằng kinh nghiệm và cả “máu liều”, anh Tuấn bắt tay vào trồng bí trái vụ.
Cây bí xanh ưa thời tiết ấm và độ ẩm cao, được khuyến nghị trồng vào tháng 1-3 và tháng 8-9 hàng năm, trong khoảng nhiệt độ 17-25 độ C để cho năng suất cao. Nhưng vì trồng đại trà nên thường rơi vào tình trạng cung nhiều hơn cầu, bị thương lái ép giá.
Vợ chồng anh Tuấn trồng một năm 3 vụ bí, tháng 4-6, tháng 6-10 và từ tháng 10 qua Tết nguyên đán. Đây là thời điểm khí hậu tại Nghệ An khắc nghiệt với nắng nóng, bão lụt và giá rét, không phải là điều kiện lý tưởng để cây bí sinh trưởng.
Xác định “cãi trời” thì phải chấp nhận rủi ro nhưng theo anh Tuấn, trong rủi ro, người nông dân có thể tìm thấy cơ hội vì cũng giống như các loại nông sản khác, bí xanh cũng sẽ rơi vào tình trạng mất mùa, được giá, đặc biệt là khi trồng trái vụ.
“Vào mùa mưa, rét phải sử dụng màng ni lông để chống rét hoặc “tủ” gốc để tránh bị mưa gây xói, bật gốc. Vợ chồng tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhờ vậy giải quyết được thiếu nước. Tất nhiên, bí trồng trái vụ thì năng suất không thể cao được bằng chính vụ, thậm chí sản lượng chỉ bằng 1/2 nhưng giá gấp 3, tính ra vẫn có lãi”, anh Tuấn cho hay.
Nếu bình thường, bí được thương lái tới mua tận ruộng với giá 5.000-15.000 đồng/kg thì đối với bí trái vụ, giá có thể lên 20.000 đồng/kg. “Đợt cao điểm, bí trái vụ được bán với giá 22.000-23.000 đồng/kg. Hái đầy một xe rùa có thể thu 1,5 triệu đồng, thậm chí quả không đều đẹp cũng được thu mua hết”, chị Thanh chia sẻ.
Ngoài việc nâng cao giá trị kinh tế, việc trồng bí trái vụ, theo anh Tuấn là giải pháp để giải quyết vấn đề lãng phí đất. Tuy nhiên, để tránh mầm sâu bệnh ủ trong đất, anh trồng xen ngô để xử lý, cắt nguồn bệnh. Hiện, 3/4 diện tích vườn đã được kiên cố hóa giàn, thay thế giàn tre để tiện trong chăm sóc cũng như tiết kiệm đầu tư lâu dài.
Với mô hình trồng 3 vụ bí/năm, vợ chồng anh Tuấn có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương phụ trách khâu vào bầu đất, ươm giống, trồng và chăm sóc bí, vợ chồng anh Tuấn còn thuê hơn 10 lao động thời vụ vào thời điểm thu hoạch với tiền công 200.000-250.000 đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Hồ Sơn, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, cho biết: “Mô hình trồng bí xanh trên đất thầu khoán của vợ chồng anh Thái Doãn Tuấn bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”.
Theo ông Sơn, đây là đất thầu khoán, có thời hạn thuê 5 năm nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của hộ dân. Chính quyền xã đang nghiên cứu dự thảo Luật đất đai để đề xuất cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, phát huy hiệu quả kinh tế lâu dài.