Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ công; tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính
Các trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay số lượng hồ sơ TTHC nộp trực tuyến tăng mạnh. Năm 2022 Cổng dịch vụ công của tỉnh tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 399.640 hồ sơ, đạt tỷ lệ 73,67%; trong đó có trên 15.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công cấp huyện đã triển khai số hóa TTHC ở khâu tiếp nhận đối với một số lĩnh vực trọng điểm và 6 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, với mục đích tái sử dụng tài liệu và kết quả giải quyết TTHC của công dân để không phải kê khai lại trong các lần làm TTHC tiếp theo. Từ ngày 1/6 – tháng 11/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa được 17.029 hồ sơ, cấp huyện tiếp nhận và số hoá 7.528 hồ sơ theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử”, đạt tỷ lệ 34,76%. Quy trình này đã tạo sự minh bạch, tránh sự nhũng nhiều của cơ quan công quyền, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Đặc biệt, triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030″ (Đề án 06), không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyển đổi số, mà còn đem lại giá trị to lớn cho đời sống của nhân dân.
Để 100% công dân trên địa bàn tỉnh sử dụng duy nhất một loại giấy tờ là CCCD gắn chíp hoặc tài khoản định danh điện tử để giao dịch, đi lại trong cuộc sống hằng ngày mà không phải mang nhiều loại giấy tờ truyền thống khác, từ đó giúp cắt giảm TTHC, tiết kiệm thời gian, tạo sự thuận lợi cho người dân; thời gian qua công an các cấp đã xuống tận cấp xã, không quản ngày đêm, vất vả để tiến hành thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư, cấp CCCD gắn chíp và cài đặt, hướng dẫn tài khoản định danh điện tử với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc.
Cùng với đó, để người dân giảm các TTHC, giảm thao tác thủ công, tỉnh triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với lệ phí TTHC, viện phí, điện, nước, mua sắm… Qua đó tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ nhanh chóng cho người dân.
CCCD gắn chíp đã phát huy hiệu quả, giúp người dân hạn chế phải mang theo người nhiều loại giấy tờ. “Giờ tôi đi khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà không còn phải mang theo thẻ BHYT như trước, mà chỉ cần CCCD có gắn chip. Những thông tin khám, chữa bệnh của tôi được cơ sở y tế tìm kiếm và cập nhật tương tự như khi sử dụng thẻ BHYT” – Anh Hoàng Văn Hà (huyện Đầm Hà) chia sẻ.
Năm 2022 có 206 cơ sở triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip (tỷ lệ 93,2%) với 194.455 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD để khám chữa bệnh, số lượt tra cứu thành công đạt 125.448 (tỷ lệ 64,5%). Lực lượng công an đang phối hợp với BIDV Quảng Ninh thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp để nộp tiền và rút tiền thông qua các điểm giao dịch BIDV Ezone và máy giao dịch tự động đa năng (CRM).
Chuyển đổi số đi vào đời sống
Nông dân nhận thấy chuyển đổi số là chìa khóa mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, vì vậy nhiều người đã thực hiện số hóa các cánh đồng, khu sản xuất, tạo giá trị gia tăng và tính minh bạch của sản phẩm. Điển hình tại TX Đông Triều, người dân đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, để tự động hóa việc bón phân cho cây trồng, giảm những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Nhiều hộ dân đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, xuất khẩu ra nước ngoài.
Ngành Du lịch tỉnh chuyển đổi số mạnh mẽ, nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút, nâng cao trải nghiệm của du khách. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh hình thành, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Điển hình, Bảo tàng Quảng Ninh ứng dụng KHCN phục vụ công tác trưng bày, với trên 50 màn hình tivi, màn hình led, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại, trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị. Đây là bảo tàng tiên phong trong nước xây dựng bảo tàng ảo, sử dụng công nghệ 3D, khiến không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực. Với bảo tàng ảo, du khách có thể tham quan từ xa mà không phải đến tận nơi.
BQL Vịnh Hạ Long xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, thu phí vé tham quan Vịnh bằng internet banking và quét mã QR. Quảng Ninh đã đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong tra cứu các điểm đến.
Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã số hóa và gắn mã QR 165/370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh. Nhờ đó du khách và người dân khi đến các điểm di tích, cùng với được nghe thuyết minh viên trực tiếp giới thiệu, có thể dễ dàng quét mã QR để tìm hiểu, nắm được thông tin cần thiết về di tích.
Để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, tỉnh đã có cách làm sáng tạo là thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên. Các tổ công nghệ số cộng đồng đang đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số.