Thẻ căn cước/CCCD đã được cấp trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính nếu chưa hết thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng mà không cần phải cấp đổi theo quy định.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày 28/11 đã ký ban hành Kế hoạch số 345/KH-UBND tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025.
Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 đã quyết định thành lập 56 đơn vị hành chính cấp xã mới (33 xã, 23 phường) thuộc 20 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội; có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Có phải đổi thẻ căn cước/CCCD?
Tại Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.
Theo đó, các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ.
Không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Ngoài ra, Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước gồm: Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;…
Như vậy, thẻ căn cước/CCCD đã được cấp trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính nếu chưa hết thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng mà không cần phải cấp đổi theo quy định.
Sắp xếp tổ chức bộ máy xong trước ngày 25/12/2024
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết này.
Sau đó, UBND thành phố đề nghị Ban Thường vụ cấp ủy các quận, huyện: Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Đình, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết;
Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn để phổ biến, quán triệt Nghị quyết và triển khai kế hoạch thực hiện.
Về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy xây dựng đề án, quyết định thành lập đảng bộ mới trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất tổ chức Đảng của đơn vị hành chính cùng cấp trước khi sắp xếp; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy theo quy định.
Việc tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của HĐND, UBND cấp xã được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
UBND quận, huyện, thị xã ban hành Quyết định bố trí các chức danh công chức cấp xã tại các đơn vị hành chính mới; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn mới bố trí sắp xếp đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định; chỉ đạo chuẩn bị trụ sở, cơ sở vật chất cần thiết để các tổ chức trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính mới làm việc.
UBND quận, huyện, thị xã xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; sắp xếp phù hợp trạm y tế trên địa bàn các đơn vị hành chính mới; phối hợp với Công an thành phố bố trí, sắp xếp số lượng công an chính quy tại các phường, xã theo quy định.
Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp theo định hướng bố trí vào các chức danh cán bộ, công chức cấp xã của đơn vị hành chính mới;
Điều động, bố trí vào vị trí cán bộ, công chức của các xã, phường, thị trấn khác trong quận, huyện, thị xã và tiếp nhận vào các vị trí công chức hành chính, viên chức đơn vị sự nghiệp cấp huyện nếu đủ các điều kiện theo quy định.
Việc sắp xếp theo lộ trình, bảo đảm tới hết năm 2029, các đơn vị hành chính cấp xã mới có số lượng và cơ cấu cán bộ, công chức theo phân loại đơn vị hành chính.
UBND huyện, quận, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lập danh sách, công bố các thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính mới. Trong trường hợp sau khi sáp nhập, tên thôn, tổ dân phố trong đơn vị hành chính mới trùng nhau (trùng tên địa danh hoặc tên số) thì UBND các xã, phường, thị trấn thống nhất định tên tạm thời cho các thôn, tổ dân phố đó, sau đó sẽ thực hiện các trình tự, thủ tục để trình HĐND thành phố đổi tên tại kỳ họp gần nhất.
Các công việc sắp xếp tổ chức bộ máy nêu trên thực hiện xong trước ngày 25/12/2024.
Ban Thường vụ cấp ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ban lãnh đạo các đoàn thể quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra mắt các cơ quan, tổ chức của đơn vị hành chính cấp xã mới, đồng thời đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nguoi-dan-ha-noi-co-can-doi-the-can-cuoc-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-20241129123332259.htm