Khả năng xử lý rác thải, xử lý nước thải và cung cấp nước sạch ở Gaza gần như đã bị suy giảm sau 8 tháng xung đột tàn khốc giữa Israel và Hamas. Các nhóm viện trợ cho biết điều này đã khiến điều kiện sống khắc nghiệt trở nên tồi tệ hơn và làm tăng rủi ro về sức khỏe cho hàng trăm nghìn người không có đủ nơi ở, thực phẩm và thuốc men.
Các trường hợp viêm gan A đang gia tăng và các bác sĩ lo ngại rằng khi thời tiết ấm hơn, dịch tả bùng phát ngày càng dễ xảy ra nếu không có những thay đổi đáng kể về điều kiện sống. Liên hợp quốc, các nhóm viện trợ và quan chức địa phương đang nỗ lực xây dựng nhà vệ sinh, sửa chữa đường nước và đưa các nhà máy khử muối hoạt động trở lại.
“Mùi hôi thối khiến bạn buồn nôn ngay lập tức”
Adel Dalloul, một thanh niên 21 tuổi có gia đình định cư trong một trại lều trên bãi biển gần thành phố Nuseirat ở miền trung Gaza, cho biết: “Ruồi ở trong thức ăn của chúng tôi. Nếu cố ngủ, ruồi, côn trùng và gián sẽ ở bò lên khắp người”.
Hơn một triệu người Palestine đã sống trong các trại lều dựng vội ở Rafah trước khi Israel tấn công vào tháng 5. Kể từ khi chạy trốn khỏi Rafah, nhiều người đã tìm nơi trú ẩn ở những khu vực đông đúc và mất vệ sinh hơn ở miền nam và miền trung Gaza, nơi các bác sĩ mô tả là nơi sinh sôi của bệnh tật, đặc biệt là khi nhiệt độ thường xuyên lên tới 32 độ C.
Sam Rose, Giám đốc cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, cho biết: “Mùi hôi thối ở Gaza đủ khiến bạn buồn nôn ngay lập tức”.
Anwar al-Hurkali, sống cùng gia đình trong một trại lều ở thành phố Deir al-Balah, trung tâm Gaza, cho biết anh không thể ngủ được vì sợ bọ cạp và động vật gặm nhấm. Anh không cho con mình ra khỏi lều vì lo chúng sẽ bị bệnh vì ô nhiễm và muỗi. “Chúng tôi không thể chịu được mùi nước thải. Nó đang giết chết chúng tôi”, ông nói.
Liên hợp quốc ước tính gần 70% các nhà máy nước và vệ sinh của Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại do pháo kích dữ dội của Israel, bao gồm cả 5 cơ sở xử lý nước thải của lãnh thổ này, cùng với các nhà máy khử muối nước, trạm bơm nước thải, giếng và hồ chứa.
Những nhân viên từng quản lý hệ thống nước và chất thải đô thị đã phải di dời và một số đã thiệt mạng. Trong tháng này, một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Gaza đã giết chết 5 nhân viên chính quyền đang sửa chữa giếng nước.
Mặc dù thiếu nhân sự và thiết bị bị hư hỏng, một số nhà máy khử muối và máy bơm nước thải vẫn hoạt động, nhưng bị cản trở do thiếu nhiên liệu. Người dân thường xếp hàng chờ hàng giờ để lấy nước uống từ xe tải giao hàng, chở về cho gia đình bất cứ thứ gì họ có thể mang theo. Sự khan hiếm nước sạch buộc các gia đình thường xuyên tắm rửa bằng nước bẩn.
Dalloul cho biết anh đã xếp hàng để lấy nước từ một người bán hàng rong. “Chúng tôi phát hiện ra rằng nước đó mặn, ô nhiễm và đầy vi khuẩn. Chúng tôi tìm thấy giun trong nước. Tôi đã uống nước đó”, anh nói. “Tôi gặp các vấn đề về đường tiêu hóa và tiêu chảy, và bụng tôi đau cho đến tận lúc này”.
“Chúng tôi sống trong rác”
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố một đợt bùng phát viêm gan A, tính đến đầu tháng 6, đã dẫn đến 81.700 trường hợp vàng da được báo cáo – một triệu chứng phổ biến. Bệnh lây lan chủ yếu khi những người không bị nhiễm bệnh tiêu thụ nước hoặc thực phẩm bị nhiễm phân.
Đứng chân trần trên con phố ở trại tị nạn Nuseirat, ông Abu Shadi Afana, 62 tuổi, so sánh đống rác cạnh ông như một “thác nước”. Ông cho biết xe tải vẫn tiếp tục đổ rác mặc dù có các gia đình sống trong lều gần đó.
“Không có ai cung cấp cho chúng tôi lều, thức ăn hoặc đồ uống, và trên hết, chúng tôi sống trong rác”, ông Afana nói. Rác thu hút những con bọ mà ông chưa từng thấy trước đây ở Gaza, những con côn trùng nhỏ bám vào da ông. Khi nằm xuống, ông nói ông cảm thấy như chúng đang “ăn” mặt của mình.
Có rất ít nơi khác để đổ rác. Khi quân đội Israel nắm quyền kiểm soát vùng đệm dài 1 km dọc biên giới với Gaza, hai bãi rác chính ở phía đông thành phố Khan Younis và Thành phố Gaza đã bị cấm.
Do đó, các bãi chôn lấp rác xuất hiện. Những người Palestine phải di tản chạy ra khỏi nơi trú ẩn cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựng lều gần đống rác.
Bên cạnh đó, các bác sĩ ở Gaza lo ngại dịch tả có thể sắp xảy ra. Bác sĩ Joanne Perry làm việc ở miền nam Gaza cho biết: “Điều kiện đông đúc, thiếu nước, nắng nóng, vệ sinh kém là những điều kiện tiên quyết của bệnh tả”.
Bà cho biết hầu hết bệnh nhân đều mắc bệnh hoặc nhiễm trùng do vệ sinh kém. Bệnh ghẻ, bệnh về đường tiêu hóa và phát ban là phổ biến. WHO cho biết hơn 485.000 trường hợp tiêu chảy đã được báo cáo kể từ khi xung đột bắt đầu.
“Khi chúng tôi đến bệnh viện để xin thuốc tiêu chảy, họ bảo là không có thuốc, và tôi phải ra ngoài bệnh viện mua. Nhưng tôi lấy tiền ở đâu?”, Al-Hurkali nói. “Tôi 21 tuổi. Tôi phải bắt đầu cuộc sống của mình. Vậy mà bây giờ tôi chỉ sống trước đống rác”.
Ngọc Ánh (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-dan-palestine-song-trong-rac-va-nuoc-thai-duoi-cai-nong-thieu-dot-o-gaza-post301428.html