Phát triển du lịch nhưng khó tiếp cận vốn vay là bài toán nan giải đối với các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở Lào Cai. Khó khăn này đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lào Cai tháo gỡ.
Mới đây, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường vừa ký ban hành Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND sửa đổi một số nội dung của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai.
Nghị quyết đã được các đại biểu thông qua tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, sửa đổi khoản 1 Điều 4 của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:
“Kinh phí thực hiện chính sách cho vay vốn đầu tư điểm du lịch và cho vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, đối với ngân sách cấp tỉnh, cân đối tối thiểu 11 tỷ đồng/năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.
Đối với ngân sách cấp huyện, tùy theo tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, hằng năm UBND cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.”
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tính đến 31/5/2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai đã thực hiện cho vay hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng là 31.201 triệu đồng cho 322 khách hàng được vay vốn.
UBND tỉnh đã giao dự toán chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch là 975 triệu đồng/11 đội văn nghệ (Bảo Yên 3 đội, Bắc Hà 3 đội, Sa Pa 5 đội).
Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND đã có tác động tích cực đến phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, xoá đói giảm nghèo.
Câu lạc bộ/Đội văn nghệ dân gian được thành lập tại các điểm du lịch đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, đồng thời quảng bá những sản phẩm du lịch của đồng bào các dân tộc tới du khách trong và ngoài nước.
Trong vài thập niên trở lại đây, Lào Cai là một điểm sáng trong khai thác phát triển du lịch ở Tây Bắc, số lượng khách du lịch đến với Lào Cai ngày càng tăng, nhờ đó, đã tạo ra việc làm và thu nhập khá ổn định cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Tận dụng những lợi thế phát triển du lịch, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Lào Cai tiếp tục thúc đẩy phát triển mạng lưới du lịch cộng đồng bằng cách xây dựng thêm các điểm, tuyến du lịch hợp lý. Điều này đã tạo đà cho người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu vùng xa có cơ hội gia nhập thị trường du lịch bằng nhiều hình thức khác nhau, từ tham gia trực tiếp đến tham gia gián tiếp rất hiệu quả.
Cùng với đó, là việc ban hành những chủ trương chính sách cụ thể, giải quyết những khó khăn vướng mắc để thúc đẩy người dân tham gia phát triển du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.
Cụ thể nhất là việc ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, làng nghề truyền thống, ẩm thực, dân ca, dân vũ, dân nhạc và các phong tục tập quán khác tạo nên những nét độc đáo riêng của các dân tộc nhằm thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, gồm hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch; hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch.
Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án/điểm du lịch. Đối với phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, mức cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người (mỗi hộ được vay tối đa 200 triệu đồng/2 lao động).
Thời hạn cho vay theo chu kỳ của từng dự án và tối đa không quá 60 tháng. Áp dụng lãi suất cho vay hộ cận nghèo theo quy định từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng có thể vay vốn đầu tư, làm mới hoặc cải tạo, mở rộng nhà truyền thống các dân tộc thiểu số để kinh doanh dịch vụ lưu trú (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng…
Với những chính sách đi vào cuộc sống đã giúp nâng tầm “thương hiệu” du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai và được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng với gần 500 cơ sở lưu trú tại gia đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: “Trước kia để tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển du lịch là rất khó, bởi ngân hàng cũng không có đủ cơ sở để giải ngân. Nhưng nay tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND sẽ giúp cho việc hỗ trợ cho người dân được vay vốn đầu tư điểm du lịch, để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô cơ sở du lịch là điều rất hợp lý. Chắc chắn những hộ làm du lịch sẽ đánh giá cao những chính sách tốt đẹp này”.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/lao-cai-nguoi-dan-duoc-ho-tro-vay-von-lam-du-lich-20240711103146615.htm