Giá điện tăng trong thời điểm này khiến doanh nghiệp (DN) thêm gánh nặng khi giá thành sản xuất sẽ bị đẩy lên cao. Còn người dân lo hàng hóa, dịch vụ sẽ lập mặt bằng giá mới, chi phí cho đời sống sẽ tăng.
Kiểm tra hệ thống điện sản xuất tại Công ty CP Visual Plastic ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.Lộc |
Việc điều chỉnh giá điện vào thời điểm này sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế và an sinh xã hội của cả nước.
DN khó chồng khó
Hyosung là một trong những DN sử dụng điện lớn nhất tỉnh, bình quân 180 tỷ đồng/tháng. Việc điều chỉnh tăng bình quân 3% giá điện khiến DN không khỏi “đau đầu”.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Cung cấp điện năng của 2 công ty Hyosung Việt Nam và Hyosung Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) cho biết, ngay khi nhận thông tin giá điện tăng, Ban giám đốc công ty đã họp khẩn bàn giải pháp xoay xở.
“Hyosung đã dự liệu từ trước nhưng không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, trong điều kiện sản xuất mới phục hồi 70-80% so với trước dịch Covid-19, Hyosung phải đối mặt với khó khăn về nguyên liệu, nhiên liệu. Vì thế, DN sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiết giảm thêm một số chi khác” – ông Thanh nói.
Giá điện tăng 3% từ ngày 4-5
Từ ngày 4-5, EVN áp dụng điều chỉnh giá bán điện. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là hơn 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 3% so với giá hiện hành.
|
Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành sử dụng điện lớn nhất cả nước. Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp – xây dựng tiêu thụ hơn 70% tổng sản lượng điện. Do đó, công nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất khi giá điện tăng.
Ông Nguyễn Đình Quy, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty CP Visual Plastic (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chia sẻ, DN có 2 nhà máy tại Đồng Nai, điện sản xuất chiếm đến 40-50% giá thành của sản phẩm. Vì thế, từ tháng 5-2023, khi giá điện tăng 3%, chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận rất thấp và phúc lợi cho người lao động bị giảm theo.
Theo các DN, tăng giá điện dù ít dù nhiều đều tác động đến sản xuất, kinh doanh ở hiện tại lẫn lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, đơn hàng ít, xuất khẩu giảm, việc tăng giá điện sẽ khiến các nỗ lực giảm giá thành và duy trì việc làm cho người lao động trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Vũ Đình Quân, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP TKG TaeKwang Vina (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2), vấn đề giá điện và an ninh năng lượng hiện nay đặt ra bài toán tiết kiệm điện và phát triển điện sạch. Tại công ty, các máy móc, thiết bị tiêu hao năng lượng dần được thay thế bằng sản phẩm tiết kiệm điện để giảm chi phí. Cùng với đó, DN đang triển khai kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại 3 nhà máy ở Đồng Nai, Cần Thơ và Tây Ninh. Khi đưa vào hoạt động, hệ thống sẽ sản xuất khoảng 28 ngàn MW điện/năm, đáp ứng hơn 10% nhu cầu điện của các nhà máy.
* Người dân lo hàng hóa “ăn” theo giá điện
Hầu hết khách hàng sử dụng điện đều không muốn giá điện tăng, nhưng trong điều kiện giá nhiên liệu nhập khẩu, giá thành sản xuất điện tăng thì điều chỉnh giá bán là tất yếu.
Chị Lê Thị Vân (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, sau điều chỉnh tăng giá điện, bình quân mỗi tháng gia đình chị tốn thêm 27 ngàn đồng. Số tiền không lớn so với chi tiêu hàng tháng, nhưng nếu các dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo giá điện thì chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ bị đẩy lên cao và sẽ trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình.
Nhân viên Điện lực Đồng Nai kiểm tra hệ thống điện tại Trạm biến áp Định Quán |
Đa phần người dân khi được hỏi chấp nhận mức tăng giá điện, nhưng mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp hạn chế tăng giá các hàng hóa, dịch vụ theo kiểu “té nước theo mưa”. Bởi điện là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày lẫn sản xuất. Các đợt tăng giá điện trước đây đều kéo theo tăng giá các hàng hóa, dịch vụ, tiền thuê nhà.
Ông Thổ Út, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, tăng giá điện là vấn đề đã được các cơ quan, bộ, ngành tính toán, cân nhắc. Tuy nhiên, đi kèm với tăng giá bán lẻ điện cần điều chỉnh tăng biểu giá bậc thang điện sinh hoạt cho phù hợp. Vì bậc 1 là từ 0-50kWh dành cho hộ gia đình nông thôn, có hoàn cảnh khăn đã không còn phù hợp, bởi đời sống được cải thiện, việc sử dụng thiết bị điện trong gia đình ngày một nhiều.
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đợt điều chỉnh giá điện lần này có hơn 28 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trong đó, có đến 36% số hộ bị tăng thêm 11 ngàn đồng/tháng, khoảng 18% số hộ bị tăng thêm hơn 27 ngàn đồng tháng…
Về giải pháp ổn định giá điện trong thời gian tới, EVN cho biết, sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí thường xuyên, tiết kiệm điện, huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ. Đồng thời, tập đoàn sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… có thể giảm giá bán đầu vào để hạ chi phí sản xuất.
Hoàng Lộc
.