Lo lắng đi mua đồ tích trữ
Ngay từ sáng ngày 6.9, tại các khu chợ truyền thống và siêu thị Hà Nội đã đón lượng khách đông bất thường đến mua thực phẩm để tích trữ phòng siêu bão số 3 Yagi đổ bộ.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại siêu thị BigC (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), các thực phẩm như rau xanh, thịt, trứng… được bán chạy nhất. Đặc biệt ở khu vực rau, nhân viên siêu thị liên tục được điều phối để bổ sung mặt hàng phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Một nhân viên tại siêu thị này chia sẻ: “Lo ngại mưa lớn do bão, từ sáng lượng khách đến mua sắm đông, xe đẩy để khách lấy hàng liên tục hết, khách chờ thanh toán kín hết các quầy thu ngân. Nhân viên của siêu thị được huy động làm việc năng suất ở tất cả các vị trí thu ngân, bổ sung thực phẩm…”.
Đẩy một xe đầy ắp rau xanh, trứng và đồ khô, anh Nguyễn Đức Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước thông tin siêu bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền hai vợ chồng anh đã tranh thủ đi mua thực phẩm ngay trong buổi sáng thứ Sáu.
Không chỉ tại các siêu thị mà ở các chợ truyền thống lượng khách cũng đông đúc hơn ngày thường.
Theo chị Nguyễn Thị Hương – tiểu thương bán trứng ở chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dù đã dự phòng phương án lượng người đến mua hàng sẽ đông hơn do siêu bão số 3 sắp đổ bộ, nhưng chị vẫn rất bất ngờ khi chưa hết buổi sáng đã bán hết hàng chục khay trứng. Các quầy rau xanh và thịt cũng trong cảnh tương tự.
Giá cả vẫn giữ ổn định
Ngay sau khi biết tin bão sắp đổ bộ đất liền, chị Nguyễn Thị Mơ – Đồng Me (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã lo lắng giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ bị đẩy lên cao, đặc biệt là đối với các loại rau xanh. Tuy nhiên, trái ngược với suy đoán của chị, giá cả rất bình ổn.
“Giá cả hàng hóa trong các siêu thị không có sự biến động lớn, chỉ như ngày thường” – chị Mơ nói.
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) vừa có Công điện số 03/CĐ-TCDT gửi 15 Cục dự trữ nhà nước khu vực chủ động ứng phó với cơn bão Yagi (bão số 3) đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Theo đó, các Cục DTNN khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình được Tổng cục DTNN yêu cầu tổ chức trực ban 24/24, bám sát diễn biến của cơn bão để có phương án phòng, chống ảnh hưởng của bão, mưa lũ gây ra.
Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra kho, hàng dự trữ quốc gia – đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia. Có phương án chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có kho, hàng dự trữ quốc gia, trụ sở cơ quan dự trữ sẵn sàng ứng phó, khắc phục, xử lý, giải quyết kịp thời mọi tình huống xảy ra tại đơn vị.
Các đơn vị cần có kế hoạch, phương án chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ quốc gia để tổ chức xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng ký ban hành Công điện, trong đó, chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nguoi-dan-do-xo-mua-do-tich-tru-gia-ca-binh-on-1390385.ldo