Từ ngày 1/7, Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 và Thông tư 24 chính thức có hiệu lực. Theo Thông tư mới này, trong quá trình xử lý mà người vi phạm xuất trình giấy tờ qua VNeID thì lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.
Một cán bộ CSGT Hà Nội cho biết, quy trình kiểm tra và xử lý tạm giữ giấy tờ đối với người vi phạm trên VNeID như sau:
Bước 1: Khi tài xế vi phạm luật xuất trình giấy tờ đã tích hợp vào ứng dụng tài khoản định danh, CSGT kiểm tra, đối chiếu các dữ liệu để trùng khớp thông tin.
Bước 2: Lực lượng CSGT tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người vi phạm và ra quyết định tạm giữ giấy tờ theo quy định với các lỗi bị tước giấy tờ trên môi trường điện tử (không tạm giữ giấy phép lái xe bản gốc).
Bước 3: Sau khi CSGT lập biên bản, thông tin về việc tạm giữ giấy tờ sẽ được cập nhật lên tài khoản VNeID của người vi phạm. Lúc đó, ứng dụng sẽ hiển thị rõ khoảng thời gian bao lâu, đơn vị nào đang tạm giữ giấy tờ.
Bước 4: Người vi phạm tiến hành giải quyết thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính qua cổng dịch vụ công hoặc nộp tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 5: Khi người vi phạm xuất trình kết quả nộp phạt hành chính sau thời gian tạm giữ giấy tờ theo quy định, CSGT sẽ cập nhật kết quả giải quyết để ứng dụng VNeID hủy bỏ nội dung hiển thị về việc tạm giữ giấy tờ.
Cũng theo Thông tư 28/2024/TT-BCA, các loại giấy tờ có thể tích hợp gồm: Giấy phép lái xe; bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực; giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm…
Cũng tại Thông tư 28/2024/TT-BCA, Bộ Công an đã sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 27 liên quan việc trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo thủ tục hành chính cho người bị xử phạt.
Theo đó, trường hợp giấy tờ đó có thông tin bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng trên Ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì người có thẩm quyền ra quyết định, lập biên bản trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt; hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó.
Ngoài ra, Thông tư 28 cũng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 27; điểm d khoản 2 Điều 27 về căn cứ trả lại giấy tờ sau thời gian tạm giữ, gỡ bỏ thông tin tạm giữ giấy tờ trên ứng dụng… để phù hợp với quy định mới.
Đáng chú ý, trong thời gian giấy tờ liên quan người lái và phương tiện bị tước trên VNeID, tài xế đó nếu tiếp tục vi phạm mà sử dụng giấy tờ vật lý thì sẽ không có tác dụng vì CSGT sẽ kiểm soát, tra cứu trên hệ thống.
KHÁNH LINH (t/h)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-can-lam-gi-khi-bi-canh-sat-giao-thong-tuoc-bang-tren-vneid-a671410.html