(HNMO) – Bao quanh xã An Phú (huyện Mỹ Đức) là 8 lò gạch “nhả khói” suốt ngày đêm, khiến môi trường sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng này tồn tại đã lâu, nhưng chưa được ngăn chặn triệt để khiến người dân rất bất bình…
Nằm ở vùng đất đồi gò, xã An Phú bị bao vây bởi 8 lò gạch lớn nằm trên địa bàn thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy và xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Các lò gạch hoạt động cao điểm khoảng 10 năm nay; thời điểm các lò đốt gạch và cộng với luồng gió thổi về hướng xã, toàn bộ khu vực An Phú trở thành “túi” đựng khói của các lò gạch.
Trưởng thôn Đồi Dùng Nguyễn Hoàng Hân đưa phóng viên Báo Hànộimới đến khu vực lò gạch Khu Vai, thuộc thị trấn Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy). Tại đây, nhánh sông Thanh Hà được chia đôi lấy làm mốc giới, phía bên kia dòng chảy là khu lò gạch thuộc thị trấn Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy), phía bên này là khu đất sản xuất nông nghiệp và nơi ở của người dân các thôn: Đồi Dùng, Đồng Văn, Nam Hưng, Thanh Hà. Hàng trăm hộ dân nơi đây đã phải ngày đêm hứng chịu khói lò gạch triền miên từ năm này qua năm khác.
“Vào buổi đêm, nhất là khoảng thời gian tháng 10 và thời điểm thời tiết có nhiều sương mù, không khí bị nén xuống, khói lò gạch không thoát được lên không trung đã bị kìm nén, bao trùm các thôn, khiến bầu không khí rất ngột ngạt. Không những thế, hoa màu, cây trồng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Năm nay, vụ hoa sen thất bát thấy rõ, không biết có phải do ảnh hưởng của khói lò gạch không”, ông Hân thông tin.
Còn tại thôn Đồi Lý (xã An Phú), nằm ngay cạnh khu cánh đồng là một lò gạch có quy mô rất lớn. Thời điểm phóng viên có mặt, lò vẫn đang hoạt động, khói nhả trắng trời. Ông Nguyễn Văn Điện, ở khu tái định cư thôn Đồi Lý bất bình nói: “Mỗi khi có gió mùa Đông Bắc, khói lò gạch phả thẳng vào thôn Đồi Lý với mùi khét lẹt, người dân không thở nổi. Ảnh hưởng từ khói và bụi của lò gạch còn khiến lúa cháy táp lá, năng suất rất thấp; rau màu thì sâu bệnh, không phát triển được. Người già, trẻ nhỏ bị ảnh hưởng rất nhiều về sức khỏe”.
Tương tự, lò gạch ở thôn Xuân Dương, xã Thanh Cao (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng làm hàng trăm hộ dân ở các thôn: Đồi Lý, Phú Thanh, Đức Dương (xã An Phú) thường xuyên bị “tra tấn” bởi môi trường sống bị ô nhiễm bởi khói, bụi…
Xác nhận thực trạng nêu trên, Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã An Phú có rất nhiều lò gạch, khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội về xóa lò gạch thủ công, lò gạch xây dựng không đúng quy hoạch, xã đã tiến hành triệt để việc này. Song, bao quanh An Phú có đến 8 lò gạch quy mô lớn thuộc địa phận huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân cũng như làm giảm năng suất lúa và hoa màu của bà con. Nhiều năm qua, người dân xã An Phú liên tục có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp, không thể để những lò gạch của địa phương lân cận làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tiếp thu kiến nghị của người dân, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình. Theo thông tin các cấp trả lời ý kiến cử tri thì đến năm 2025, các lò gạch này sẽ dừng hoạt động, hiện tại các lò chỉ sản xuất hết số nguyên liệu đang tồn lưu.
Khẳng định của các cơ quan chức năng là vậy, tuy nhiên trên thực tế, ngay tại khu vực thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) gần đây lại mới xuất hiện dấu hiệu của việc tiếp tục xây dựng thêm lò gạch mới, khiến người dân rất lo lắng…
Mong muốn về một môi trường sống trong lành là đề nghị chính đáng của người dân nơi đây. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội sớm xem xét, xác định có hay không việc xây dựng thêm lò gạch mới ở khu vực thị trấn Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy) và đề nghị tỉnh Hòa Bình có giải pháp ngăn chặn triệt để việc này ngay từ đầu, không để phát sinh thêm những hệ lụy phức tạp giữa hai địa phương liền kề…