Trên địa bàn Đồng Nai hiện tồn tại nhiều giá nước sạch. Trong đó, có vùng giá nước sạch cao gấp 3 lần quy định của UBND tỉnh.
Người dân P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) sử dụng nước sạch. Ảnh: H.LỘC |
Hiện nay, người dân ở khu vực phải mua giá nước sạch cao đang thắc mắc: Vì sao cùng một địa bàn, cùng nguồn nước sạch lại có nhiều giá?
* Mỗi nơi một giá nước
Tại TP.Biên Hòa, cùng sử dụng nguồn nước máy nhưng mỗi nơi một giá. Đa phần người dân chỉ trả 5,8 ngàn đồng/m3 cho 10 m3 ban đầu. Tuy nhiên, có những nơi người dân phải trả từ 16-22 ngàn đồng/m3.
Ông Lê Văn Tưởng, KP.Thiên Bình, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ, cùng đô thị loại I nhưng gia đình ông phải mua nước sạch giá gần gấp 3 lần so với quy định. Cụ thể, nhà ông mua nước sạch từ HTX Miền Đông với giá từ 16 ngàn đồng/m3.
Theo tìm hiểu, tại khu vực này, các hộ mua nước trực tiếp từ Công ty CP Cấp nước Đồng Nai thì được hưởng giá nước theo quyết định của UBND tỉnh. Một số nơi HTX, đơn vị tư nhân đầu tư hạ tầng, phân phối nước sạch thì giá khá cao.
Tại H.Trảng Bom, khu vực thị trấn người dân được dùng nước máy với giá thấp nhất là 5,8 ngàn đồng/m3. Tại các xã Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cung ứng nước sạch nông thôn, giá nước thấp nhất là 7,2 ngàn đồng/m3. Tại khu vực HTX cung ứng nước sạch nông thôn, mức giá dao động từ 5,5 đến hơn 7 ngàn đồng/m3.
Tương tự, tại H.Long Thành đang tồn tại ít nhất 4 giá nước sạch. Trong đó, có 2 giá nước sạch do các công ty cấp nước đô thị áp dụng và 2 giá nước các đơn vị cấp nước nông thôn áp dụng.
Lí giải về nguyên nhân cùng nước sạch nông thôn nhưng nhiều mức giá, ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, hiện có 3 mô hình quản lý công trình là đơn vị sự nghiệp công lập, DN và UBND cấp xã. Mỗi công trình có đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị khác nhau nên thu phí dịch vụ khác nhau.
“Hiện nay giá nước sạch nông thôn có sự khác nhau. Giá nước do đơn vị sự nghiệp công lập, DN quản lý vận hành công trình là giá bậc thang từ 7,2 đến hơn 12 ngàn đồng/m3. Đối với công trình cấp xã quản lý vận hành phần lớn giá nước thấp hơn” – ông Minh thông tin.
Không chỉ giá nước khác nhau mà chi phí để lắp đặt đồng hồ nước cũng mỗi nơi một khác. Các hộ dân sống ven đường, đô thị dùng nước từ các công ty cấp nước hầu như không tốn phí đầu vào do được miễn phí đồng hồ và 4m đường ống. Hộ dân sống trong hẻm, khu vực nông thôn, đăng ký nước qua bên thứ 2 phải bỏ 3-10 triệu đồng để có nước sạch.
* Hài hòa lợi ích đơn vị cấp nước và người sử dụng
Theo quyết định của UBND tỉnh, giá nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị dành cho hộ gia đình thấp nhất 5,8 ngàn đồng và cao nhất là 12,8 ngàn đồng/m3. Giá nước sạch từ hệ thống cấp nước nông thôn dành cho hộ gia đình thấp nhất 7,2 ngàn đồng và cao nhất là 12,6 ngàn đồng/m3. |
Theo Sở NN-PTNT, hiện giá nước cho khu vực nông thôn được xây dựng và ban hành theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT. Tuy nhiên, đơn giá sau khi được thẩm định, phê duyệt cao hơn giá nước sạch đô thị dẫn đến người dân “chê” nước sạch nông thôn.
Hiện một số công trình cấp nước sạch nông thôn đã mua lại nước máy của các DN cấp nước để cấp lại cho người dân nhưng xảy ra vấn đề đó là giá nước mua đi bán lại bị đẩy lên. Người dân so bì, không chấp nhận cùng một khu vực, nguồn nước nhưng có 2 giá.
Đối với nước sạch đô thị, việc phát triển hạ tầng nước từ hệ thống cấp nước chính thống chưa bao quát hết. Để đảm bảo sớm có nước sạch cho người dân, chính quyền phải huy động thêm một số nguồn khác là HTX, DN tư nhân. Các đơn vị này không tự xử lý nước mà mua nước của các công ty phân phối lại cho người dân nên không thể có bán giá như quy định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, rất khó để có cơ chế một giá nước trừ khi là độc quyền cung ứng, phân phối. Điều quan trọng trong áp dụng giá nước là cần phải minh bạch, tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá nhằm bảo đảm quyền lợi của đơn vị cấp nước lẫn người sử dụng.
Hiện UBND tỉnh đã giao các huyện, thành phố rà soát lại đơn giá cấp nước của các đơn vị cấp nước, so sánh giá nước giữa các đơn vị cung cấp nước sạch. Trường hợp có sự chênh lệch lớn hoặc tự ý thu khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận đơn giá nước sạch thì báo cáo Sở Tài chính xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Tránh để giá nước quá cao ở các khu vực xa tuyến ống chính, các hẻm dân cư và khu vực ít dân cư (đặc biệt là nước sạch do các HTX hoặc các đơn vị mua nước qua đồng hồ tổng của các công ty cấp nước để bán lại cho người dân) nhằm khuyến khích người dân đấu nối sử dụng nước sạch.
Việc tồn tại giá nước sạch đô thị, nước sạch nông thôn, trong mỗi loại hình lại có nhiều giá khác nhau được giải thích là do đầu vào sản xuất nước khác nhau. Vì thế, giải pháp cấp thiết là làm sao để giá bán nước sạch ở các khu vực không chênh lệch nhiều, giúp mọi người dân đều sử dụng và đơn vị cấp nước có lãi.
Hoàng Lộc
.