Thêm một cột mốc lịch sử nữa được ghi nhận trong kế hoạch phòng chống đại dịch Covid-19 ở Anh khi đầu tuần này, ngày 17-5-2021, chính phủ Anh chính thức nới lỏng cách ly để dần tiến đến giúp dân thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch vào tháng 6 năm nay. Dù vẫn còn lo ngại về tầm ảnh hưởng của biến thể mới đến từ Ấn Độ nhưng chính phủ Anh hy vọng các bước kế tiếp sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình đã hoạch định.
Những tín hiệu vui đang bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các đường phố. Hình ảnh người dân xếp hàng để vào các nhà hàng, quán rượu hoặc các hộp đêm đang dần xuất hiện trở lại. Nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập gym và các cơ sở hoạt động khác cũng đã mở cửa trở lại để đón khách. Riêng các chủ tiệm nails hay cửa hàng của người Việt cũng đang kỳ vọng có thêm nhiều khách hàng.
Người dân xếp hàng chờ tiêm mũi vắc-xin thứ hai của hãng AstraZeneca sáng 22-5 tại Trung tâm Y tế Đại học Sheffield
Rất đông người bắt đầu đổ xô đến các trung tâm mua sắm vào cuối tuần rồi và tuần này. Mặc dù vẫn còn quy định hạn chế số người được vào bên trong các cửa hàng nhưng mọi người vẫn vui vẻ xếp hàng bên ngoài chờ đến lượt.
Để có thể vào được một cửa hàng bán dụng cụ – trang phục thể thao lớn ở trung tâm mua sắm gần thành phố Leeds, chúng tôi đã phải xếp hàng bên ngoài trong lúc trời mưa rất to. Thật ngạc nhiên, dù thời tiết rất xấu nhưng dòng người dài hơn 50 m vẫn kiên nhẫn đứng dưới mưa để được vào bên trong, không một ai rời khỏi hàng và nói chuyện rất rôm rả.
Các hộ gia đình đã có thể gặp nhau, tuy vẫn còn hạn chế số lượng người nhưng điều này giúp người dân cảm thấy phấn khởi hơn trước rất nhiều. Cùng với việc chính phủ “bật đèn xanh” cho phép người dân đi du lịch trong dịp hè năm nay, hàng triệu người dân đã lên kế hoạch, đặt vé máy bay và chỗ ở cho các kỳ nghỉ của họ.
Giá vé cho các sự kiện âm nhạc tổ chức ngoài trời ở các thành phố lớn diễn ra vào dịp hè năm nay đều bán sạch chỉ trong vài giờ sau khi mở bán trực tuyến. Những người may mắn mua được vé đã bán lại với giá cao gấp đôi giá gốc nhưng số người muốn mua vẫn ngày càng tăng.
Chính phủ Anh đang thực hiện một kế hoạch mang tính thử nghiệm ở quy mô lớn hơn khi cho phép tối đa 10.000 cổ động viên bóng đá có thể đến xem các trận đấu trên sân tại các sân lớn, hoặc 4.000 người tại các sân nhỏ. Người hâm mộ rất phấn khích vì họ có thể thưởng thức bóng đá đúng chất còn CLB thì mừng vì gầy dựng lại được nguồn thu.
Nước Anh đang dần thoát ly khỏi đại dịch một cách có kiểm soát. Đó là những bước tiến đáng kể trong kế hoạch của chính phủ Thủ tướng Boris Johnson bởi việc phong tỏa toàn quốc một lần nữa sẽ là điều rất khó chấp nhận trong tương lai.
Tại sao chính phủ Anh tự tin trong lúc Ấn Độ, Brazil và các nước khác vẫn đang vất vả trong việc đối phó với đại dịch?
Thực ra, có đến 4 yếu tố then chốt để Thủ tướng Anh thực hiện quyết định táo bạo này (chính thức nới lỏng cách ly toàn quốc).
Đầu tiên đó là sự thành công trong kế hoạch tiêm vắc-xin cho toàn dân. Đến nay đã có hơn 70% số người lớn được tiêm mũi đầu tiên và 40% số người đã được tiêm mũi thứ hai.
Kế đến đó là các bằng chứng tích cực về hiệu quả của vắc-xin Covid-19. Chỉ cần một liều tiêm của Pfizer hoặc AstraZeneca cũng đủ để giảm 80% nguy cơ tử vong.
Yếu tố kế tiếp là phương thức quản lý và theo dõi chặt chẽ tỉ lệ lây nhiễm.
Yếu tố cuối cùng là kiểm soát tốt các biến thể mới của virus SARS‑CoV‑2. Tuy các biến thể B.1.351 (Nam Phi) và B.1.617 (Ấn Độ) được phát hiện ở một số khu vực của Anh nhưng chính phủ đã nhanh chóng giám sát chặt chẽ để không ảnh hưởng đến tiến trình gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, xét về mặt tổng quan thì yếu tố đáp ứng nhanh và thế mạnh của một cường quốc có thể xem là một lợi thế. Khối EU với rất nhiều lợi thế nhưng vẫn đi sau Anh trong việc chống dịch. Chính phủ Anh đã đầu tư tổng lực để có được lượng vắc-xin cần thiết cho toàn dân, bao gồm nghiên cứu, phát triển và sản xuất ngay trong những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát.
Với tầm nhìn và chiến lược đầu tư, quản lý hợp lý và hiệu quả cùng các khoản trợ giúp cho cá nhân và doanh nghiệp, chính phủ Anh đã tạo được niềm tin trong dân chúng để họ cùng hợp tác với chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch.
Riêng với AstraZeneca, Anh cũng đã ký một bản hợp đồng rất chi tiết, trong đó có đề cập khoản đền bù hợp đồng nghiêm khắc hơn so với EU và điều này giúp Anh có lợi thế hơn trong việc tranh giành lượng phân phối vắc-xin từ AstraZenaca vốn phần lớn đang được sản xuất ở EU (Bỉ).
Anh đã giành được lượng sản phẩm gấp đôi so với EU, trong lúc EU lại phải phân phối lượng vắc-xin còn lại cho các thành viên khác trong khối và kể cả các nước khác trên thế giới. Điều này thực sự gây khó chịu cho các thành viên EU.