Ông đã sử dụng dịch vụ này để mua một chiếc ti vi, một chiếc điện thoại di động cho cô con gái và thậm chí là quần áo cho cả gia đình.
“Trả góp có thể sẽ gây tốn kém hơn so với việc thanh toán một lần bằng tiền mặt, nhưng ít ra tôi có thể mua đồ dùng thiết yếu cho cả gia đình, chứ không chỉ riêng cho một người. Cũng nhờ đó tôi mới có tiền đóng học phí cho các con”, Reuters dẫn lời ông Ahmed trong một bài viết mới đây.
Trong khi đó, ông Mohamed Mahmoud, bố của 3 đứa trẻ, ban đầu cũng không có ý định sử dụng dịch vụ trả góp. Thế nhưng, chia sẻ với Reuters, người đàn ông này cho biết tình hình kinh tế khó khăn của Ai Cập đã buộc ông phải thay đổi suy nghĩ để mua được các đồ dùng thiết yếu cho cả gia đình.
Theo Reuters, ngày càng có nhiều người dân Ai Cập sử dụng dịch vụ trả góp, không chỉ đối với các sản phẩm đắt tiền mà ngay cả với những mặt hàng bình dân như quần áo. Xu hướng trên diễn ra trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang phải chật vật ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục trong 5 năm qua và đồng nội tệ mất gần 50% giá trị kể từ tháng 3-2022.
Thậm chí, dịch vụ trả góp còn được áp dụng ngay tại Hội chợ sách quốc tế Cairo lần thứ 54 diễn ra từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 vừa qua sau khi các nhà xuất bản lo ngại doanh số bán sách của họ-vốn là một mặt hàng không thiết yếu-sụt giảm nghiêm trọng.
“Thông qua hình thức này, độc giả có thể mua được những quyển sách mà họ yêu thích trong khi các đơn vị xuất bản có được doanh thu tốt, không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế”, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản Ai Cập Saeed Abdo nhấn mạnh.
Bà Yasmine Henna, người đồng sáng lập dịch vụ mua hàng trả góp Sympl tại thủ đô Cairo cho biết, lượng đơn hàng trong tháng 1 năm nay đã tăng 50% so với tháng 12 năm ngoái. “Người dân chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo. Người dân nhận thấy rằng cần phải mua hàng trước khi giá cả tăng cao hơn”, bà Henna chia sẻ.
VŨ HOÀNG