Bà Nguyễn Thị T có nhu cầu tư vấn: Tôi tranh chấp 2.000m2 đất với bà H. Tôi muốn ủy quyền cho cháu rể tôi để đại diện cho tôi và được toàn quyền quyết định trong quá trình các cơ quan chức năng giải quyết. Xin hỏi: Tôi ủy quyền như vậy có được không, thủ tục ra sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
– Khoản 1, Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 quy định: Người đại diện trong TTDS bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS).
Khoản 4 điều này còn quy định: Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong TTDS.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trong trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Mặt khác, theo quy định của Điều 138 BLDS thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (GDDS). Trường hợp các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền, xác lập thực hiện GDDS liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Luật quy định, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định GDDS phải do từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 86 Bộ luật TTDS: Người đại diện theo ủy quyền trong TTDS thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.
Ngoài những quy định trên, Điều 87 Bộ luật TTDS còn quy định những trường hợp không được làm đại diện trong các trường hợp như sau: Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích của người được đại diện. Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong TTDS cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
Căn cứ các điều luật quy định đã nêu trên, bà có thể ủy quyền cho cháu rể của bà làm đại diện tham gia tố tụng tại tòa án nơi đã thụ lý giải quyết vụ án.
Hình thức ủy quyền phải bằng văn bản (hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền) và ghi đầy đủ một số nội dung sau: ngày, tháng, năm; tên họ, địa chỉ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền; quyền và nghĩa vụ của các bên; cam đoan các bên… Hai bên phải ký tên trước sự có mặt của người có thẩm quyền chứng thực.
H.Trâm (thực hiện)