Sau chiến tranh, trở về đời thường, một nhóm cựu chiến binh luôn đau đáu món nợ ân tình với đồng chí, đồng đội. Món nợ ấy theo họ là sự tri ân đối với những đồng đội đã ngã xuống.
Ông Phan Văn Quý, người lính trực tiếp chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn lịch sử, đại diện nhóm cựu chiến binh cho biết: “Lời nói của các Mẹ đã thôi thúc chúng tôi, những cựu chiến binh may mắn được trở về sau chiến tranh phải làm điều gì đó để đưa đồng đội mình về với gia đình, người thân. Vì thế, một nhóm cựu chiến binh đã đưa ra ý tưởng thành lập “Quỹ hỗ trợ giám định ADN hài cốt liệt sỹ” để cùng chung tay với Nhà nước ta trong việc thực hiện công tác trả lại tên cho các liệt sỹ”.
Ông Quý đưa ra thực tế, trong những năm qua, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng trong quá trình triển khai, việc giám định ADN vẫn gặp nhiều khó khăn. Dù biết rằng những việc lớn về chính sách tri ân liệt sỹ, đặc biệt là việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ thì Nhà nước – mà trực tiếp là nhiều bộ ngành đã và đang thực hiện rất có hiệu quả. Nhưng theo ông Quý, công việc này đang đòi hỏi chạy đua với thời gian, càng chậm thì việc giám định ADN để xác định danh tính liệt sỹ càng khó khăn hơn.
Theo các phương tiện truyền thông, đến nay, vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như giám định gen để xác định danh tính liệt sỹ là cần thiết hơn bao giờ hết. Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, thời gian đã quá lâu nên hài cốt các liệt sỹ nằm xuống đã bị phân hủy nhiều. Nếu không khẩn trương quy tập và xác định danh tính thì không bao lâu nữa, nhiều khả năng sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm.
Những việc làm quy mô, kế hoạch tổng thể, thì Nhà nước đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề nhỏ nhưng hết sức thiết thực đối với các gia đình liệt sỹ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin.
Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ
Trên cơ sở nguyện vọng của các gia đình thân nhân liệt sỹ về việc sớm tìm được hài cốt người thân, góp phần cùng cơ quan Nhà nước thực hiện các hoạt động nhằm xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, nhóm cựu binh mong muốn lập một quỹ xã hội, từ thiện. Quỹ này hoạt động công khai, minh bạch, hỗ trợ các công việc liên quan đến giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin để xác định danh tính”- ông Quý bày tỏ.
“Nếu Quỹ được thành lập, chúng tôi chỉ tập trung hỗ trợ gia đình, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tư vấn, hỗ trợ một phần kinh phí cho 3 vấn đề sau: Thứ nhất, giúp họ có thể tiếp cận nhanh nhất các nguồn thông tin về hài cốt liệt sỹ. Thứ hai, hỗ trợ đưa các thân nhân về các nghĩa trang liệt sỹ, về các chiến trường xưa để tìm các nguồn thông tin về các liệt sỹ. Cuối cùng, hỗ trợ các gia đình liệt sỹ giám định ADN hài cốt tại các trung tâm có chức năng giám định ADN của Nhà nước theo đúng quy định”, ông Quý nói.
Nguồn kinh phí của Quỹ hoàn toàn do các thành viên sáng lập đóng góp và một phần là nguồn xã hội hóa.
Hiện tại, ba đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác xã hội, từ thiện gồm: Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Tập đoàn KN Holdings và Tập đoàn Thái Bình Dương đã thống nhất xin Nhà nước thành lập “Quỹ hỗ trợ giám định ADN hài cốt liệt sỹ”.
Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam do Trung tướng Hoàng Khánh Hưng làm chủ tịch. Sau hơn 10 năm thành lập, Hội đã có nhiều việc làm thiết thực trong công tác tri ân liệt sỹ và người có công. Hội là thành viên Ban chỉ đạo Đề án 150 về xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin của Nhà nước.
Tập đoàn của cựu chiến binh, Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm đã tài trợ 2.700 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa và tri ân liệt sỹ.
Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương là thành viên sáng lập của 3 tổ chức xã hội, từ thiện. Những năm qua, tập đoàn đã tài trợ gần 10 tỷ đồng thông qua Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam để hỗ trợ công tác giám định ADN hài cốt liệt sỹ.
“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hiện giờ còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ chưa tìm được danh tính, để càng lâu thì việc tìm lại tên càng khó. Vốn là những người lính, chúng tôi đề xuất thành lập “Quỹ hỗ trợ giám định ADN hài cốt liệt sỹ” là để góp phần trả lại tên cho đồng đội của mình, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và chủ trương tri ân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ của Đảng và Nhà nước ta”, ông Phan Văn Quý – người lính Trường Sơn năm xưa xúc động bày tỏ.
Hiện đề án thành lập “Quỹ hỗ trợ giám định ADN hài cốt liệt sỹ” đang trong quá trình được các bộ, ngành xem xét.