Sự trở lại của ông Donald Tusk trên cương vị Thủ tướng Ba Lan có thể đem tới thay đổi quan trọng ở khu vực, nếu ông có thể vượt qua rào cản nội bộ.
Ông Donald Tusk ăn mừng sau khi Hạ viện Ba Lan phê chuẩn đề xuất lập chính phủ mới do chính trị gia này lãnh đạo ngày 12/12. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 12/12, đề xuất để Liên minh dân sự do chính trị gia này dẫn dắt đã được Hạ viện Ba Lan (Sejm) thông qua với 248 phiếu thuận, 201 phiếu trống và 0 phiếu trắng. Qua đó, ông Tusk trở lại vị trí Thủ tướng Ba Lan sau tám năm, thay thế ông Mateusz Morawiecki. Một ngày sau đó, chính phủ mới đã tuyên thệ nhậm chức.
Trong nội các, có 9/26 bộ trưởng là phụ nữ. Liệu sự thay đổi này có mang lại làn gió mới cần thiết cho Ba Lan cùng châu Âu?
Sự trở lại kịp thời
Đáp án là có nếu xét trên một số khía cạnh sau.
Trước hết, trong quá khứ, ông là một chính trị gia có đường lối thân Liên minh châu Âu (EU) rõ nét. Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Tusk (2007-2014), bộ ba Ba Lan cùng Pháp và Đức, với tên gọi “Tam giác Weimar”, đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để ông trở thành Chủ tịch Hội đồng châu Âu (2014-2019).
Với kinh nghiệm đó, quan chức EU đặt nhiều kỳ vọng vào ông Tusk. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, từ khi chính trị gia này chiến thắng trong tổng tuyển cử tháng Mười, tại cuộc gặp sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chào đón ông Tusk “như thể ông ấy đã là Thủ tướng”. Thực tế, kinh nghiệm và mối quan hệ của Thủ tướng Ba Lan và cựu Chủ tịch EC khiến ông được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào quá trình giải quyết nhiều thách thức EU đối mặt, từ Ukraine, Hungary tới người di cư, an ninh năng lượng hay lương thực.
Ngoài ra, khi ông Tusk làm Thủ tướng, mối quan hệ trắc trở giữa Ba Lan và Đức, quốc gia hàng đầu châu Âu, có thể sẽ cải thiện. Trước đó, Warsaw, dưới thời đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đã kêu gọi Berlin bồi thường về hậu quả từ thời Thế chiến II, khiến quan hệ song phương “dậy sóng”. Ông Piotr Buras, chuyên gia tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (Đức) nhận định: “Quan hệ (giữa Ba Lan) với Đức sẽ cải thiện, bởi hiện nó không thể xấu hơn được nữa”.
Dù kịch bản này có thành hiện thực, trong bối cảnh quan hệ Pháp – Đức còn nhiều phức tạp, ông Buras cho rằng, rất khó để “Tam giác Weimar” trở lại. Song, riêng việc dừng chỉ trích, ngừng nói “không” với châu Âu và tạo động lực mới, ông Donald Tusk đã có thể mang lại một thay đổi cần thiết với lục địa này.
Một quan chức EU giấu tên khác nhận định: “Nhìn chung, chúng tôi không muốn đề cập quá nhiều về sự thay đổi chính phủ ở Ba Lan. Trên thực tế, điều này đã thay đổi cán cân ở Hội đồng châu Âu. Bởi lẽ, chúng tôi sẽ làm việc với một chính phủ mang tính xây dựng hơn. Điều này chắc chắn sẽ thay đổi cuộc chơi”.
Lực cản còn đó
Tuy nhiên, mọi chuyện không “thuận buồm xuôi gió” với ông Donald Tusk và châu Âu tới vậy. Thậm chí, “kỳ trăng mật” của hai bên sẽ sớm kết thúc nếu chưa có câu trả lời cho vấn đề cấp bách nhất: Giải ngân khoản tài trợ và cho vay của EU dành cho Ba Lan trị giá 35 tỷ Euro để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, cũng như 76,5 tỷ Euro tiền phát triển thường niên. Trước đó, EU đã đóng băng hai khoản này, chỉ trích Warsaw dưới thời PiS đã không tôn trọng pháp quyền.
Ông Tusk sẽ cố gắng thay đổi thực trạng này. Theo truyền thông, chính trị gia kỳ cựu đang thuyết phục Ủy ban châu Âu giải ngân trước 6,9 tỷ Euro từ quỹ phục hồi, ngay cả khi Ba Lan chưa thực hiện các yêu cầu do EU đề ra.
Song sớm hay muộn, Warsaw sẽ phải đáp ứng tất cả những điều kiện của châu Âu để “mở khóa” phần còn lại của quỹ. Nhiệm vụ này không hề đơn giản khi sự hiện diện của PiS, từ Tổng thống Andrzej Duda tới Tòa án Hiến pháp, còn đó. Mọi nỗ lực nhằm cải cách hệ thống tư pháp sẽ phải đi qua ông Duda, người có quyền phủ quyết hoặc yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét và đưa ra quyết định.
Việc ông Tusk lên cầm quyền không đồng nghĩa với sự thay đổi 180 độ như nhiều người mong muốn. Nhiệm kỳ trước đó của ông phải đối mặt với không ít vấn đề như sử dụng than đá, câu chuyện về ngành nông nghiệp hay quan hệ với Nga.
Giờ đây, phần lớn vấn đề này vẫn tồn tại theo cách này hay cách khác. Một mặt, Ba Lan vẫn là một trong những quốc gia ủng hộ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, duy trì vị thế đồng minh thân thiết của xứ cờ hoa với cam kết mua nhiều thiết bị quốc phòng từ Mỹ và Hàn Quốc. Mặt khác, Warsaw vẫn chậm chân trong phát triển năng lượng xanh, với nông nghiệp tiếp tục vị thế chi phối về chính sách.
Ông Buras nhận định: “Khác biệt quan điểm (của ông Tusk so với người tiền nhiệm) trong một số vấn đề có lẽ không lớn như nhiều người hay tưởng tượng”.