Bằng lái nào điều khiển được ô tô số sàn?
Ngày 29/8, Bộ Công an cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) quy định trường hợp người có GPLX đã được cấp trước thời điểm này sẽ đổi, cấp lại. Cụ thể như sau:
GPLX hạng A1 được đổi, cấp lại sang hạng A với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh đến dưới 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến dưới 14 kW.
GPLX hạng A2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng A; GPLX hạng A3 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B1.
GPLX hạng A4 được đổi, cấp lại sang chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Đáng chú ý, GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.
GPLX hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500kg.
GPLX hạng C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg.
GPLX hạng D được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500kg.
GPLX hạng E được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500kg.
GPLX hạng FB2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng BE hoặc hạng C1E và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg.
GPLX hạng FC được đổi, cấp lại sang GPLX hạng CE và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500kg.
GPLX hạng FD được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2E và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500kg.
GPLX hạng FE được đổi, cấp lại sang GPLX hạng DE và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500kg.
Ngoài ra, người học lái xe đã được đào tạo lái xe trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc đang được đào tạo lái xe tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được sát hạch, cấp GPLX thì được sát hạch, cấp GPLX theo hạng bằng lái đổi, cấp lại quy định trên.
15 hạng GPLX mới
Theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông, GPLX bao gồm 15 hạng như sau:
Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg…
Bộ Công an khuyến khích người dân đổi bằng lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 (chủ yếu bằng vật liệu giấy) sang giấy phép dạng mới (bằng vật liệu PET).
Theo cơ quan này, việc thay đổi trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân được chuẩn hóa dữ liệu, dễ dàng tích hợp GPLX vào ứng dụng VNeID để sử dụng thay cho bản gốc.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-co-bang-lai-o-to-xe-may-se-doi-sang-hang-giay-phep-lai-xe-nao-tu-1-1-2025-192240829152543637.htm