“Ảnh Nguyễn Bá Khoản sẽ sống mãi với thời gian, bởi người chụp ảnh luôn đứng ở góc nhìn lịch sử. Ông thực sự là một nhà viết sử bằng hình ảnh ở giai đoạn sục sôi của Cách mạng tháng Tám và thời kỳ đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…”- góc nhìn ấy của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng thực sự “rất trúng” về – nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản – tác giả của hàng ngàn bức ảnh lịch sử cách mạng vô giá.
Trong những bức ảnh đáng giá nhất về Cách mạng tháng Tám và ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình cách đây 78 năm, không thể không nhắc tới những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử: Nhân dân Hà Nội mít tinh trước quảng trường Nhà hát Lớn ngày 17/8/1945 chuẩn bị cho việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945, cảnh quần chúng Cách mạng tràn vào Phủ Khâm Sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ) ngày 19/8/1945, cảnh mít tinh trên quảng trường Nhà hát Lớn ngày 31/8/1945, cảnh nhân dân Hà Nội đón chào giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị Giải phóng quân tại Hà Nội (8/1946), quảng trường Ba Đình và lễ đài Tuyên ngôn độc lập, cảnh quân Giải phóng – Tự vệ Hà Nội dự lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, cảnh đường phố Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám 1945 với biểu ngữ “Nước Việt Nam của người Việt Nam”; Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Trung Hoa Hà Ứng Khâm trước Phủ Toàn quyền tháng 9/1945 (nay là Phủ Chủ tịch), cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc “Tuần lễ vàng” ở trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, cảnh Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội tham gia diễu hành “Ngày cứu đói tại quảng trường Nhà hát Lớn” (tháng 9/1945), hình ảnh ra mắt chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945)…
Và không nhiều người biết rằng, chủ nhân của các bức ảnh ấy, chớp cơ hội vào ống kính rất nhiều những khoảnh khắc một đi không trở lại ấy của dân tộc, chỉ là một con người: nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản. Với lợi thế và kinh nghiệm của một phóng viên ảnh lâu năm (thời điểm cách mạng tháng Tám nổ ra, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản là phóng viên của báo Cứu Quốc, còn trước đó, ông là phóng viên của nhiều tờ báo: Tin tức, Thời thế, Thời báo), Nguyễn Bá Khoản bám sát các sự kiện xảy ra liên tiếp trong những ngày cuối tháng Tám, đầu tháng 9 lịch sử lúc bấy giờ.
Nhà báo Thọ Cao từng chia sẻ, trong một cuộc gặp gỡ với nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản, ông đã hỏi nhiếp ảnh gia về bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nhiếp ảnh gia kể rằng: Chiều 2/9/1945, nghe Tổng biên tập Báo Cứu quốc là đồng chí Xuân Thủy dặn dò xong, ông xách chiếc máy ảnh cũ lên vườn hoa Ba Đình vào trước giờ khai mạc. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập trước một biển người, một rừng cờ đỏ sao vàng. Ông Khoản chọn chỗ đứng, xoay các góc độ, lựa ánh sáng – hồi ấy chưa có ống kính tê-lê và ghi được hình ảnh vị Chủ tịch nước đầu tiên giữa khung cảnh hùng tráng một ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Bình tĩnh, tự tin, ông bấm liền mấy kiểu với những tốc độ khác nhau. Ngoài bức ảnh lịch sử ấy, ông còn bấm được nhiều kiểu khác như đội danh dự bảo vệ lễ đài, các đoàn thể… Chiều hôm ấy, phim được tráng ngay, ảnh được in thành nhiều bức.
Điều thực sự đáng khâm phục về Nguyễn Bá Khoản cũng là may mắn lớn cho nhiếp ảnh Việt Nam là gia tài những bức ảnh quý của ông không chỉ là những bức ảnh về Cách mạng tháng Tám, và ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Với hơn 60 năm cầm máy, ông để lại di sản ảnh tư liệu thật đồ sộ. Chỉ riêng số ảnh ông và gia đình hiến tặng cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (tính tới thời điểm năm 2017) đã là 4.000 phim gốc và 2.700 bức ảnh. Đó là chưa kể 5 vạn phim của ông được gia đình lưu giữ và đã, đang tiếp tục chọn lọc hiến tặng.
Đúng với những gì bạn bè, đồng nghiệp thường gọi về ông – “người viết sử bằng hình ảnh”, kho ảnh của ông chụp như cuộn phim dài về nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử đất nước, từ “Cao trào Cách mạng Việt Nam 1936 – 1939”, “Cách mạng Tháng Tám và Bác Hồ năm 1945 – 1946”; “Phong trào Nam Tiến, 1945” cho đến giai đoạn “Toàn quốc kháng chiến ở thủ đô Hà Nội, 1946 – 1947”…
“Những khoảnh khắc lịch sử hiện rõ trong ảnh Nguyễn Bá Khoản ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng tươi rói chất liệu cuộc sống, hừng hực khí thế chiến đấu kiên cường, bởi ông cũng anh dũng xông pha trận mạc, áp sát bộ đội ta chiến đấu, tải thương, tổ chức lễ truy điệu đồng đội ngay tại mặt trận, ghi lại hình ảnh bộ đội ta dùng chiến thuật nghi binh ghìm chân địch và ông cũng đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hi sinh cùng đồng đội… Ảnh Nguyễn Bá Khoản sẽ sống mãi với thời gian, bởi người chụp ảnh luôn đứng ở góc nhìn lịch sử. Ông thực sự là một nhà viết sử bằng hình ảnh ở giai đoạn sục sôi của Cách mạng tháng Tám và thời kỳ đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…” – đó là những dòng viết nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng dành tặng cho đồng nghiệp kì cựu của mình – nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản.
Hà Anh