Sau một thời gian dài giá lợn hơi trên thị trường giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ, hiện tại giá lợn hơi đã tăng lên đáng kể, chăn nuôi đã bắt đầu có lợi nhuận, đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, hiện chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, không mặn mà tái đàn vì lo rủi ro thua lỗ.
Gia đình ông Nguyễn Khắc Cương, thôn Đông Thành, xã Đông Quang (Đông Sơn) quyết định “treo chuồng” sau thời gian chăn nuôi lợn bị thua lỗ.
Trước đây, có thời điểm gia đình ông Nguyễn Khắc Cương, thôn Đông Thành, xã Đông Quang (Đông Sơn) nuôi hàng chục con lợn nái và hơn 200 lợn thịt. Nhưng hiện tại, gia đình ông đã bán tháo hết đàn lợn nái cũng như lợn thịt, quyết định “treo chuồng”. Theo ông Cương: “Nếu duy trì đàn nuôi vào thời điểm này sẽ có nguy cơ lỗ vốn bởi giá lợn hơi liên tục lên, xuống bấp bênh, dịch bệnh lại liên tục hoành hành, cộng với giá thức ăn tăng cao… Thời điểm giá lợn hơi xuống đến 42.000 đồng/kg, có lứa tôi lỗ cả hơn 1 triệu đồng/con; lứa nào giá cao hơn một chút, sau 4 tháng nuôi cũng chỉ lãi được khoảng 200.000 đồng/con”.
Theo khảo sát, đối với các trang trại quy mô vừa và hộ nuôi nhỏ lẻ, đầu tư chuồng trại ít nên khi thua lỗ họ có thể nghỉ nuôi chuyển qua làm công việc khác hoặc nuôi vật nuôi khác. Thế nhưng, đối với các trang trại được đầu tư quy mô lớn, số vốn bỏ vào xây dựng chuồng trại nhiều, người nuôi vẫn phải cố gắng cầm cự, “gồng” mình gánh lỗ chờ giá lên để bù phần nào chi phí đầu tư. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trước biến động của giá cả thị trường, Công ty CP Chăn nuôi Green Sarmth ở xã Quảng Đức (Quảng Xương) đã đối mặt với nhiều khó khăn ngay từ đầu năm. Khi giá lợn hơi xuống thấp, chỉ 45.000 – 46.000 đồng/kg trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 40% so với thời điểm đầu năm 2022, doanh nghiệp không tránh được nỗi lo trước công tác sản xuất thời gian tới, nhất là kế hoạch tái đàn. Hiện nay, với quy mô hơn 2.000 con lợn nái, mỗi tháng doanh nghiệp phải xuất ra thị trường từ 3.500 – 4.000 con lợn giống. Tuy nhiên, hiện nay chi phí chăn nuôi tăng cao, người dân đối mặt thua lỗ nên “ngại” tái đàn; đồng nghĩa doanh nghiệp không tiêu thụ được con giống và phải chuyển hướng nuôi lợn thịt. Để duy trì ổn định chuỗi chăn nuôi trong bối cảnh nhiều thách thức, doanh nghiệp đang tập trung cao công tác phòng dịch, thực hiện an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. Cùng với đó, đầu tư sâu công tác kỹ thuật, du nhập giống ngoại để cải thiện con giống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để hạ giá thành sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiết giảm tối đa chi phí ứng phó với khó khăn của thị trường. Tiếp tục đàm phán với nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào, bảo đảm duy trì sản xuất.
Những người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang đứng ngồi không yên. Bởi, bài toán chi phí đầu vào và đầu ra đang đối nghịch nhau. Đó là giá cám – nguồn thức ăn chính trong chăn nuôi đang ở mức cao, trong khi đó giá lợn hơi bán ra lại không ổn định, giá giảm sâu, khi tăng thì cầm chừng, hiệu quả sản xuất chăn nuôi lợn thời gian qua chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Nếu không giải được bài toán này, nguy cơ các trang trại nhỏ, hộ chăn nuôi đóng cửa, “treo” chuồng ngày một tăng là điều không tránh khỏi.
Trước biến động về giá thức ăn, chi phí đầu vào tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn, cần tăng cường chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm thịt lợn đạt chất lượng cao. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, theo dõi tình hình cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để có khuyến cáo và định hướng phù hợp cho người chăn nuôi. Ông Mai Thế Sang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Để ứng phó với những biến động do giá lợn xuống thấp, chi cục đã ra khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ giống để bổ sung, tái đàn. Cùng với đó, phải tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn lợn phòng các bệnh dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, để không bị thiệt hại kép do giá thấp và do dịch bệnh bùng phát. Về lâu dài, để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, các nông hộ, gia trại, trang trại cần tuyên truyền khuyến khích thành lập các tổ hợp tác và liên kết trong sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ, đồng thời khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, chế biến, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Bài và ảnh: Minh Hà