Mặc dù thiếu vắng lãnh đạo cấp cao từ Israel, Mỹ và nhiều nước châu Âu nhưng Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo vấn đồng lòng lên tiếng về xung đột Hamas-Israel và kêu gọi hòa bình.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo. (Nguồn: AP) |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo do Ai Cập đăng cai tổ chức ngày 21/10 nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Hamas-Israel và thống nhất về lộ trình chấm dứt thảm họa nhân đạo ở Gaza, các nhà lãnh đạo Arab đã lên án các cuộc không kích và pháo kích kéo dài 2 tuần qua của Israel nhằm vào Dải Gaza.
Bên cạnh đó, các nước nhất trí thúc đẩy các nỗ lực mới nhằm đạt được một giải pháp hòa bình ở Trung Đông để chấm dứt chu kỳ bạo lực kéo dài hàng thập kỷ giữa người Israel và Palestine.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của Israel và các quan chức cấp cao của Mỹ tại hội nghị đã làm suy yếu mọi triển vọng ngăn chặn cuộc xung đột đang ngày càng leo thang.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan phản đối “các nỗ lực cưỡng bức di dời người dân Gaza của phía Israel”.
Đồng thời, ông Faisal nói thêm Saudi Arabia kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed cho biết nước này kêu gọi bảo vệ dân thường, đảm bảo tiếp cận an toàn đối với hàng viện trợ nhân đạo và chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Dải Gaza.
Ông Sheikh Mohamed kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để giảm leo thang tình hình ở Gaza và ngăn chặn sự bất ổn lan rộng hơn trong khu vực.
“Đối thoại, hợp tác và chung sống hòa bình vẫn là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình”, Tổng thống UAE nhấn mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo được triệu tập để cố gắng tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Đông và châu Âu có lập trường chung về một số khía cạnh của cuộc xung đột Israel-Hamas, song sự vắng mặt của các quan chức cấp cao từ đồng minh chủ chốt của Israel là Mỹ và một số nhà lãnh đạo khác của phương Tây đã làm giảm kỳ vọng về những gì sự kiện này có thể đạt được.
Trong khi Mỹ chỉ cử Đại biện lâm thời, thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều không tham dự hội nghị.