Người bị hen suyễn cần che chắn miệng và mũi khi ra ngoài. Cách này giúp làm ấm không khí trước khi đưa vào phổi, từ đó giảm nguy cơ kích ứng hô hấp và xuất hiện cơn hen, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Ngoài ra, người bệnh cũng cần uống đủ nước. Vì nước sẽ giữ làm ẩm đường hô hấp, nhờ đó giảm nguy cơ kích thích.
Giữ mức độ ẩm trong nhà tối ưu là một biện pháp phòng ngừa quan trọng khác cho bệnh hen suyễn. Không khí lạnh khô có thể gây kích ứng đường hô hấp và dễ kích hoạt cơn hen. Độ ẩm trong nhà có thể được duy trì thích hợp bằng máy tạo độ ẩm.
Ngoài ra, mọi người cũng cần lau dọn nhà sạch sẽ để ngăn chặn tích tụ bụi bẩn, nấm mốc vì đây đều là tác nhân khiến hen suyễn thêm nặng. Nếu không khí bên ngoài ô nhiễm, có nhiều bụi bẩn thì tốt nhất người bệnh nên ở trong nhà. Nếu có việc cần ra ngoài thì hãy theo dõi dự báo thời tiết để có biện pháp che chắn mũi, miệng cần thiết. Một lựa chọn khác là đến bác sĩ khám để được kê một số loại thuốc hít khi cần thiết.
Nhiều loại thuốc điều trị hen suyễn hoạt động bằng cách làm giãn các cơ trong đường thở, nhờ đó giúp hô hấp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng mà người bệnh cần lưu ý là các loại thuốc này chỉ giúp điều trị tạm thời chứ không trị dứt điểm tình trạng viêm trong đường hô hấp. Do đó, những người mắc bệnh hen suyễn cũng có thể cần dùng thuốc lâu dài để kiểm soát các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.
Ngoài ra, người bệnh nên áp dụng một số phương pháp khác để kiểm soát hen suyễn. Các bài tập thở, chẳng hạn như các bài tập được sử dụng trong yoga, được chứng minh là có thể giúp một số người mắc hen suyễn kiểm soát hơi thở, giảm căng thẳng và giảm kích hoạt cơn hen suyễn.
Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên cũng góp phần kiểm soát các triệu chứng hen suyễn trong mùa lạnh. Hoạt động thể chất là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn tái phát. Người mắc có thể chọn đi bộ, chạy bộ hay bất kỳ môn thể thao nào yêu thích, theo Medical News Today.